Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng mới tàu vỏ sắt: Lúng túng từ trên xuống dưới

Ngọc Quỳnh| 30/03/2015 06:40

(HNM) - Sau 7 tháng kể từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực về việc cho vay hỗ trợ lãi suất khi đóng tàu mới, Bộ NN&PTNT cũng ban hành 21 mẫu tàu mới, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại gặp khó khăn.



Thậm chí đến thời điểm này cũng mới chỉ 12 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân được vay vốn tín dụng, nguyên nhân chủ yếu là do thiết kế tàu chưa phù hợp với ngư trường đánh bắt thủy hải sản của ngư dân, kinh phí lớn…

Ngư dân cần lựa chọn loại tàu phù hợp với phương thức đánh bắt thủy hải sản khi đóng tàu mới.


Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25-8-2014 nhưng đến nay mới có 12/28 địa phương đã phê duyệt 352 tàu đóng mới và 54 tàu nâng cấp; 5 tỉnh, thành phố thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên với tổng số phí hơn 6.400 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, từ nay tới năm 2020, tổng số tàu đánh bắt xa bờ cần phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong thực hiện các chính sách của Nghị định 67 là do lúng túng trong thủ tục trình duyệt thiết kế, xây dựng dự toán và ngư dân không có vốn đối ứng...

Bộ NN&PTNT đã đưa ra 21 mẫu tàu, giúp ngư dân lựa chọn loại phù hợp với phương thức đánh bắt thủy hải sản ở từng vùng khác nhau. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng, các mẫu tàu này chưa phù hợp với thực tế và thói quen đánh bắt hải sản của họ. Nếu sửa thiết kế cho phù hợp thì kinh phí tăng lên gần gấp đôi so với dự toán ban đầu. Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Văn Trung cho biết, mục đích ban đầu của Bộ NN&PTNT khi đưa ra các mẫu tàu đơn thuần là giúp ngư dân cùng với các đơn vị đóng tàu lựa chọn mẫu rồi tính toán cụ thể về kinh phí đóng tàu. Thời gian qua, các cơ quan quản lý đưa ra lượng kinh phí cho đóng tàu vỏ thép, chủ yếu mới chỉ là dự toán ban đầu với thiết kế phần bên ngoài thân tàu, chưa tính toán đến thiết bị bên trong...

Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 67, trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định. Đối với những ngư dân đã có tàu với công suất từ 400 CV (mã lực) trở lên có thể được vay vốn nâng cấp tàu để đánh bắt thủy hải sản, giảm bớt chi phí trong việc đóng tàu mới. Các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Nhà nước cho ngư dân hiểu được bản chất của Nghị định 67 để khi làm thủ tục xin đóng tàu mới và vay vốn ngân hàng thông suốt. Các ngân hàng từ trung ương đến địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân khi họ đến vay vốn và hướng dẫn cụ thể; giảm bớt các thủ tục để ngư dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay trong thời gian sớm nhất nhưng vẫn bảo đảm các quy định của ngân hàng.

Đối với việc thiết kế tàu, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu và thiết kế thêm các mẫu tàu vỏ gỗ và vật liệu khác để có thể giảm được chi phí trong quá trình đóng tàu mới và phù hợp với ngư dân ở từng vùng khác nhau. Về máy móc của tàu, Bộ NN&PTNT nên xem xét cho phép ngư dân được dùng máy đã qua sử dụng nhưng còn mới 90-95% để giảm chi phí. Thậm chí khi đóng tàu mới, ngư dân cùng với DN đóng tàu phải nghiên cứu từ thiết kế đến sử dụng các đồ nội thất, thiết bị bên trong sao cho phù hợp với điều kiện thực tế để không làm đội giá tàu lên quá cao. Chính quyền cơ sở phải tạo đủ mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi đến xác nhận các tài sản, thủ tục giấy tờ để thế chấp ngân hàng. Trong khi ngư dân còn gặp khó khăn, nên chăng thành lập các tổ, đội sản xuất để có điều kiện hơn về việc huy động nguồn vốn cho đóng tàu mới…

Theo Bộ NN&PTNT, để đóng được một con tàu vỏ thép phải cần đến 81 bản thiết kế, thời gian làm trong vòng 2 tháng. Ngư dân vẫn chưa thực sự hiểu về các điều kiện để vay vốn, họ cho rằng tỉnh phê duyệt dự án sẽ được ngân hàng cho vay, nhưng thực tế phải có điều kiện do ngân hàng quy định, thậm chí là thế chấp tài sản thì mới được vay. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ngư dân chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay là do họ chưa có thiết kế tàu và chưa có hợp đồng với chủ đóng tàu. Việc vay vốn theo Nghị định 67 cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc tín dụng của ngân hàng, có vay, có trả và có sự thẩm định của ngân hàng để bảo toàn vốn, nếu như ngư dân vay vốn đối ứng cần phải có tài sản thế chấp bổ sung vào hợp đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng mới tàu vỏ sắt: Lúng túng từ trên xuống dưới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.