(HNM) - Từ đầu năm đến nay, thể thao phong trào ở thành phố diễn ra nhộn nhịp hơn với những giải đấu do các cá nhân, đơn vị ngoài nhà nước tổ chức. Từ các giải đấu diễn ra sôi động, hấp dẫn, hiệu quả này cho thấy tiềm năng xã hội hóa thể thao là rất lớn cũng như vai trò của nguồn động lực thúc đẩy phong trào thể thao.
Tranh tài tại Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng tranh Cúp Kiện tướng tương lai năm 2017. Ảnh: Thùy An |
"Khóa sổ" vì lo quá tải
Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng tranh Cúp Kiện tướng tương lai lần thứ II - năm 2017, diễn ra tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy cuối tuần qua, đã gây ấn tượng mạnh về số lượng người tham dự. Giải do Câu lạc bộ Cờ vua “Kiện tướng tương lai” phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức nhưng toàn bộ khâu điều hành, tổ chức đều do Câu lạc bộ đảm nhận. Trước giải, Trưởng ban Tổ chức, Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh đồng thời là người phụ trách Câu lạc bộ ước tính có khoảng 800 người đăng ký dự giải. Ban Tổ chức đã đặt thêm 40 ghế ngồi để dự phòng trường hợp số người đăng ký thi đấu vượt dự kiến. Một ngày trước lễ khai mạc, số người đăng ký đã tăng đột biến, vượt cả phương án dự phòng nên Ban Tổ chức chỉ chấp nhận thêm những trường hợp ở tỉnh ngoài nhằm khuyến khích phong trào cờ vua phát triển và đành cáo lỗi với các trường hợp khác. Nếu chấp nhận hết số người đăng ký, sẽ có hơn 900 kỳ thủ - vượt quá khả năng của Ban Tổ chức bởi sức chứa của nhà thi đấu có hạn, không bảo đảm an toàn, chất lượng giải. Hôm diễn ra giải đấu, tổng cộng có 857 kỳ thủ tham dự, nhà thi đấu kín đặc bàn cờ. Sức hút của giải lớn đến mức Ban Tổ chức giải đã phải tính tới phương án chuyển đến địa điểm thi đấu rộng rãi hơn trong mùa giải sau.
Cuối tháng 10-2017, Giải LongBien marathon được tổ chức ở Khu đô thị Việt Hưng. Đây là giải thể thao gây chú ý khi thành tích của các vận động viên (VĐV) được sử dụng để xét tham gia các giải marathon nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Giải Boston marathon (Mỹ). Gần một tháng trước giải đấu, nhiều người đã không thể đăng ký tham dự bởi số người đã đăng ký quá đông - lên tới hơn 1.600 người tham gia thi đấu ở các cự ly 5km, 10km, 21km và 41,195km. Điều đó khiến Ban Tổ chức phải ngừng nhận đăng ký tham gia nhằm bảo đảm về an toàn và chuyên môn. Để được dự giải, VĐV phải đóng phí từ 799.000 đồng đến 999.000 đồng/người tùy cự ly chạy. So với mặt bằng chung của nhiều giải chạy tương tự tại Việt Nam và quốc tế, mức phí này được coi là hợp lý, đủ để chi cho công tác tổ chức và cấp áo thi đấu, trao huy chương lưu niệm… cho VĐV. Theo Ban Tổ chức, đây là giải đấu nhằm mục đích từ thiện, gắn kết mọi người cùng hướng đến lối sống lành mạnh. Sự thành công của LongBien marathon - mới sang tuổi thứ hai - đã phần nào giải đáp thắc mắc rằng Hà Nội có khả năng tổ chức các giải đấu được coi là phức tạp về khâu tổ chức như marathon hay không?
Ngoài những giải đấu nói trên, thời gian gần đây, nhiều cá nhân và đơn vị ngoài nhà nước đã tổ chức thành công hàng loạt giải đấu thể thao trên địa bàn Hà Nội như: Giải Bóng đá phong trào ngoại hạng Hà Nội, Giải Bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội Cúp Milo, Giải Bóng rổ các câu lạc bộ không chuyên Hà Nội… Giải Bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội Cúp Milo do Báo Nhi Đồng phối hợp cùng Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Công ty Nestle, tổ chức từ năm 2007 đến nay thậm chí đã trở thành thương hiệu lớn. Trong mùa giải 2017, đã có 138 đội dự giải, lập nên kỷ lục mới.
Tạo "điểm hẹn" cho người đam mê
Có mặt tại buổi khai mạc Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng tranh Cúp Kiện tướng tương lai lần thứ II - năm 2017, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Liên đoàn Cờ Việt Nam đều đánh giá cao quy mô và sức hút của giải, cách thức tổ chức chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Phúc Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) nói: “Việc các đơn vị ngoài nhà nước tham gia tổ chức giải đã góp phần tạo nên sự phong phú về sân chơi thể thao. Cách thức tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và linh hoạt giúp các giải đấu thu hút nhiều VĐV”.
Còn Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh - Trưởng ban Tổ chức Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng năm 2017 lý giải: “Tổ chức giải thể thao cũng như làm dịch vụ. Nếu dịch vụ tốt thì sẽ có nhiều người tham gia, tạo điểm hẹn lý tưởng cho người đam mê thể thao. Nếu không thì dù có mời miễn phí cũng không có nhiều người hưởng ứng”.
Xã hội hóa việc tổ chức các giải thể thao góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Sự linh hoạt giúp nhà tổ chức có thể nhanh chóng đưa ra quyết định miễn phí hay có thu phí, bổ sung điều kiện tổ chức giải… Đó là sự khác biệt so với nhiều giải thể thao do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Khi nguồn lực về kinh phí và con người có hạn, các đơn vị nhà nước không thể kham nổi việc tổ chức quá nhiều giải đấu thể thao để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự xuất hiện của các cá nhân, đơn vị ngoài nhà nước đã giúp giải quyết khó khăn này. Vấn đề là nhà tổ chức cần được cơ quan quản lý nhà nước về thể thao tạo điều kiện, tư vấn đến nơi đến chốn để có thể tổ chức giải theo đúng quy định. Về việc này, ông Nguyễn Phúc Anh khẳng định: “Có thêm người cùng gánh vác trọng trách tạo sân chơi cho người đam mê thể thao là niềm vui đối với những người làm công tác quản lý. Vì thế, đương nhiên phải tạo điều kiện hết mức có thể cho họ. Điều quan trọng là đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.