Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực quý giá

Minh Quang| 13/11/2015 06:56

(HNM) - Tấm HCĐ nội dung bộ ba nữ tại Giải vô địch Bi sắt nữ thế giới 2015 vừa qua là tấm huy chương thế giới đầu tiên của bi sắt Hà Nội. Với nhiều môn thể thao khác, tấm HCĐ thế giới không còn xa lạ nhưng với bi sắt Hà Nội, đây là cột mốc mới sau hơn 10 năm bền bỉ gây dựng lực lượng.

Thầy trò Đội tuyển Bi sắt nữ Việt Nam trên bục nhận HCĐ thế giới năm 2015.



Trong đội hình 3 VĐV Việt Nam thi đấu chính thức tại nội dung bộ ba nữ ở Giải vô địch Bi sắt thế giới 2015 tại Thái Lan vừa qua, Hà Nội có 2 VĐV là Vũ Thị Thu và Nguyễn Thị Trang. Cả hai đang là VĐV hàng đầu của bi sắt Hà Nội cũng như Việt Nam, từng gắn bó với bộ môn trong thời gian dài. Để đạt đến trình độ như hiện nay, cả hai VĐV này và nhiều VĐV khác của Hà Nội đã được thể thao Hà Nội đầu tư chuyên nghiệp nhất trong làng bi sắt Việt Nam. Tất cả VĐV bi sắt Hà Nội được đào tạo bài bản trong điều kiện sân bãi tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài tập luyện trong nước, họ còn được đi tập huấn ở nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan - nền bi sắt hàng đầu thế giới) dưới sự huấn luyện của chuyên gia Thái Lan. Chính chuyên gia và là HLV Đội tuyển Bi sắt nữ Việt Nam tại giải thế giới vừa qua là ông Samnaeng YoungCham đã gắn bó với bi sắt Hà Nội từ gần 10 năm qua, nên quá hiểu thực lực của các VĐV nhà. Vị chuyên gia người Thái Lan này từng nhiều lần khẳng định rằng bi sắt nữ Việt Nam không thua kém các đội tuyển bi sắt hàng đầu thế giới. Vấn đề chỉ là tập trung đầu tư thì thành quả sẽ đến.

Trở về Việt Nam sau giải vô địch nữ thế giới, chuyên gia Samnaeng YoungCham không giấu được sự tự hào: "Các VĐV nữ Việt Nam đã chứng tỏ được thực lực của mình. Dù lắp ghép đội hình trong thời gian không đáng kể, 2 VĐV Hà Nội và 1 VĐV TP Hồ Chí Minh là Phan Thị Thúy Diễm đã chứng tỏ được sự ăn ý cũng như khả năng. Các em đã vượt qua được những đội từng vô địch thế giới như Madagascar, Tunisia để giành quyền vào bán kết. Nếu tại bán kết gặp Tây Ban Nha, các em giữ được sự bình tĩnh thì chưa chắc đã thua chung cuộc bởi trình độ không thua sút là bao. Thế nên, tôi vẫn có chút tiếc nuối với tấm HCĐ của đội nữ, dù xếp thứ 3 trong 46 nước tham dự cũng không phải là việc dễ dàng".

Năm 2009, đội nữ Việt Nam (lúc đó cũng có Phan Thị Thúy Diễm của TP Hồ Chí Minh) giành tấm HCĐ tại Giải vô địch Bi sắt nữ thế giới, lúc đó có ít đội tham dự hơn so với giải năm nay. Đó là tấm huy chương thế giới đầu tiên của bi sắt Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan nên bi sắt Hà Nội không có VĐV góp mặt trong đội hình đoạt HCĐ năm đó. Đến năm nay, khi được trao cơ hội, các VĐV Hà Nội đã nhanh chóng nắm bắt. Như thế, trong hơn 10 năm phát triển của mình, bi sắt Hà Nội đã có VĐV giành HCV SEA Games, Châu Á và giờ đây là tấm huy chương thế giới. Tất nhiên, theo Chủ nhiệm CLB Bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui, bi sắt Hà Nội vẫn còn nhiều mục tiêu phía trước, trong đó gần nhất là ĐH Thể thao bãi biển Châu Á năm 2016 và có thể là cả ASIAD năm 2018. Những thông tin từ cuộc họp Ban chấp hành Liên đoàn Bi sắt thế giới mới đây đã cho hay, nước chủ nhà Indonesia cũng đang xem xét khả năng đưa môn bi sắt vào chương trình thi đấu.

Tấm huy chương thế giới này đến với bi sắt Hà Nội vào lúc môn thể thao vốn phát triển khá mạnh ở Việt Nam này đang đứng trước nguy cơ không có tên trong chương trình thi đấu ĐH TDTT toàn quốc năm 2018. Đáng nói là môn thể thao này luôn có khoảng 16 đoàn dự giải vô địch quốc gia, thường xuyên có tên trong chương trình thi đấu SEA Games và mang không ít HCV về cho thể thao Việt Nam. Với người trong cuộc, họ chỉ hy vọng những thành tích như trên sẽ khiến những người có trách nhiệm với ĐH TDTT toàn quốc tạo nhiều cơ hội cho một môn thể thao đã khẳng định được đẳng cấp ở thế giới bên cạnh những môn thể thao Olympic hay ASIAD khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực quý giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.