Thể thao

Bi sắt Hà Nội và câu chuyện 20 năm

Minh Hà 08/08/2024 - 11:14

Khoảng thời gian này 20 năm trước, bộ môn bi sắt (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) (gọi tắt là bi sắt Hà Nội) đang bước đi những bước đầu tiên của mình. Hành trình 20 năm hoạt động với nhiều dấu ấn ấy, nếu nhìn rộng ra cũng phần nào thấy rõ cái tầm, định hướng phát triển của thể thao Hà Nội.

anh-1-doi-bi-sat-ha-noi-nam-2005.jpg
Đội bi sắt Hà Nội trong lần tham dự Giải vô địch bi sắt quốc gia năm 2005.

1. Khoảng 20 năm trước, năm 2004, khi tới Cung thể thao Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội), người ta dễ nhìn thấy một nhóm VĐV phơi mình trong nắng tập luyện bi sắt – môn thể thao có lịch sử phát triển hàng trăm năm, lúc đó cũng đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á và một số tỉnh, thành phía Nam. Trước đó, sau khi nhìn thấy khả năng phát triển của môn này ở SEA Games, vào khoảng cuối năm 2003, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội lúc ấy là ông Hoàng Vĩnh Giang đã quyết định phát triển môn bi sắt tại Hà Nội. Trách nhiệm chính được trao cho Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội lúc ấy là ông Hà Khả Luân (cựu VĐV điền kinh nổi tiếng Việt Nam), người trước đó đã thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ gây dựng môn cầu mây tại Việt Nam với điểm khởi đầu Hà Nội và sau đó là nhiều tỉnh, thành khác trong khi đội tuyển quốc gia sớm tạo dựng được vị thế ở châu Á, Đông Nam Á.

Sau này, khi đội tuyển cầu mây quốc gia giành 2 HCV ở ASIAD 15 năm 2006, 1 HCV ở ASIAD 19 năm 2023, người trong nghề vẫn đều công nhận là có dấu ấn không nhỏ của ông Hà Khả Luân dù ông không trực tiếp cầm quân ở hai kỳ ASIAD này. Tại ASIAD 15, ông lùi lại với công việc quản lý ở ngành Thể thao Hà Nội để cậu con trai Hà Tùng Lập trực tiếp cầm quân. Còn ở ASIAD 19 năm 2023, lúc ấy ông đã nghỉ hưu, vui thú với việc đạp xe, chụp ảnh phong cảnh ở hồ Tây mỗi sáng.

Và sau quyết định của Ban Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, CLB bi sắt Hà Nội được thành lập trong đó trách nhiệm điều hành trực tiếp được trao cho cựu cầu thủ bóng đá Quân khu thủ đô Đặng Xuân Vui. Cũng may mắn cho CLB khi có nguồn VĐV khá phong phú ngay trong giai đoạn tuyển quân, khi đến từ các môn khác rồi cả những người làm công việc ngoài ngành trong đó có cả những anh thợ làm tóc. Những ngày đầu vận hành của CLB, tiền công tập luyện chẳng là bao, nước uống chỉ là trà đá trong khi chỗ nghỉ trưa là hiên nhà trong khu Quần Ngựa. Tuy vậy, sân luyện tập, dụng cụ tập luyện cho CLB đều thuộc loại tốt nhất Việt Nam. Đó cũng là động lực cho VĐV để có thể hy vọng cạnh tranh với những địa phương khác, đã phát triển bi sắt từ hàng chục năm trước như thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh… rồi hướng đến ngôi vô địch SEA Games, châu Á.

anh-2-vdv-nguyen-thi-hien-bi-sat.jpg
VĐV Nguyễn Thị Hiền đóng góp nhiều thành tích cho bi sắt Hà Nội.

2. Đường đi nước bước của bi sắt Hà Nội giai đoạn sau đó mới thực sự là điểm nhấn trong suốt hành trình sau này, mang rõ đặc trưng trong cách làm thể thao thành tích cao của Hà Nội là đầu tư bài bản, đến nơi đến chốn cho dù tốn kém vì đi tập huấn trong nước, quốc tế, nhưng bảo đảm thành tích lâu dài. Khi ấy, lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội và bộ môn bi sắt đều xác định phải có cách đi riêng để trước mắt là sớm bắt kịp trình độ các đội hàng đầu trong nước, sau là đóng góp nhiều cho đội tuyển quốc gia. Và nhiều giải pháp mà chưa CLB bi sắt nào ở Việt Nam áp dụng đã được thực hiện. Đầu tiên là thuê HLV nước ngoài (từ Thái Lan) để huấn luyện thật kỹ về kỹ thuật cơ bản cho cả VĐV và truyền tải cho HLV (cũng đều là những người từ môn khác chuyển sang), rồi sau đó đưa VĐV đi tập huấn ở những nước mạnh về bi sắt, nhất là Thái Lan kết hợp tập huấn, thi đấu tại các tỉnh, thành mạnh về bi sắt ở miền Nam.

Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, VĐV Hà Nội được đánh giá là được đào tạo bài bản nhất trong làng bi sắt Việt Nam. Đến nỗi khi VĐV Hà Nội khởi động, chào khán giả, các VĐV đội khác ở trong nước mới biết đến những kỹ năng này vì trước đây chỉ tập luyện tự phát. Chỉ sau hơn 1 năm tập luyện, bi sắt Hà Nội đã đoạt 2 HCV tại Giải vô địch quốc gia, một thành tích cực kỳ ấn tượng.

Đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010, các VĐV bi sắt Hà Nội mới hoàn thành mục tiêu là vượt qua đoàn thành phố Hồ Chí Minh khi giành 2 HCV (hơn đoàn thành phố Hồ Chí Minh 1 HCV) để đóng góp vào ngôi Nhất trên bảng xếp hạng chung của đoàn Hà Nội.

Đó cũng là một trong những cột mốc của đội bi sắt Hà Nội trong hành trình 20 năm qua của mình. Trên hành trình ấy, đội còn đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển Việt Nam để giành hàng loạt huy chương quốc tế như HCV tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009, HCV Giải vô địch châu Á năm 2019, HCV SEA Games 2007 và 2009... Ngoài ra là hàng loạt HCĐ, HCB tại các giải vô địch châu Á. Những cái tên như Nguyễn Thị Hiền, Vũ Thị Thu, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thanh… đã để lại nhiều dấu ấn góp phần tạo nên một vị thế vững vàng cho bi sắt Hà Nội trên bản đồ bi sắt Việt Nam. Gần đây nhất, ở giải vô địch bi sắt trẻ toàn quốc năm 2024, các VĐV Hà Nội cũng giành tới 3 HCV để trong nhóm đầu. Thành tích ấy cũng bắt nguồn từ cách thức quen thuộc là đi tập huấn liên tục để nâng cao bản lĩnh, trình độ.

anh-3-trong-tai-vu-thi-thu-tac-nghiep-tai-mo-giai-quoc-te.jpg
Trọng tài quốc tế Vũ Thị Thu của bi sắt Hà Nội tham gia điều hành tại Giải vô địch châu Á năm 2023.

3. Nếu nói về vị thế cũng phải kể đến quan hệ quốc tế của đội bi sắt Hà Nội mà khó có đội bi sắt nào ở Việt Nam tạo dựng được. Việc đội bi sắt Hà Nội được đi tập huấn quốc tế liên tục tại Thái Lan hay thỉnh thoảng được mời đi đấu giao hữu, biểu diễn ở Nhật Bản hoặc có khi đón đoàn nước ngoài đến tập huấn tại CLB ở Hà Nội cũng bắt nguồn từ cái nếp được các thế hệ lãnh đạo thể thao Hà Nội, đặc biệt từ thời Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang tạo dựng và duy trì. Từ đó, các bộ môn, trong đó có môn bi sắt, thiết lập quan hệ quốc tế với Liên đoàn nước sở tại, Liên đoàn quốc tế nhằm mục đích cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất cho HLV, VĐV Hà Nội nâng cao trình độ mỗi khi đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Người trong nghề cũng phải công nhận, việc tạo dựng các mối quan hệ quốc tế cực tốt cũng là đặc trưng của các Trưởng bộ môn thể thao thành tích cao Hà Nội. Họ thường thông thạo 1-2 ngoại ngữ, trong đó riêng Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng Anh, tiếng Thái Lan, tiếng Nhật.

Còn muốn kể thêm về cách làm của bi sắt Hà Nội cũng phải kể đến việc đào tạo các HLV hoặc tạo điều kiện để các HLV trở thành trọng tài quốc tế nhằm bắt kịp những xu hướng mới trên thế giới đồng thời đóng góp nhiều hơn cho khâu tổ chức các giải đấu trong nước. Ở CLB, các HLV được yêu cầu không thụ động khi hỗ trợ chuyên gia nước ngoài mà phải chủ động học hỏi để nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật huấn luyện. Cho nên đến lúc này, CLB mới có đội ngũ HLV chắc về kỹ thuật cơ bản, hoàn toàn tự tin khi được giao nắm vai trò chính trong khâu huấn luyện kể cả khi không có chuyên gia nước ngoài về đào tạo trẻ. Trong khi đó, ở CLB, HLV Vũ Thị Thu cũng được tạo điều kiện để trở thành trọng tài quốc tế duy nhất của bi sắt Việt Nam, được mời tham gia điều hành các giải thế giới và châu lục từ năm 2023 đến nay. Ở cấp độ quốc gia, nữ HLV kiêm trọng tài này hoàn toàn đủ điều kiện để được trao trách nhiệm điều hành khâu trọng tài tại các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Như chia sẻ của Trưởng bộ môn Đặng Xuân Vui thì đây cũng là hướng đi quan trọng của CLB để có đủ lực lượng hoàn toàn có thể gánh vác trách nhiệm quốc gia, quốc tế chứ không chỉ gói gọn ở tầm địa phương.

anh-4-doi-tuyen-bi-sat-ha-noi-nam-2022.jpeg
Đội bi sắt Hà Nội tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022.

4. Lúc này, những nhà quản lý nổi tiếng của thể thao Hà Nội trước đây như ông Hoàng Vĩnh Giang, Hà Khả Luân đều đã rời xa cõi trần. Nhưng rõ ràng, những dấu ấn mà họ để lại cho thể thao cả nước cũng như thể thao Hà Nội, trong đó có môn bi sắt, vẫn được gìn giữ và bồi đắp những nét mới. Ngày đầu tháng 8, khi nói về chuyện này, Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui bảo rằng: “Những thế hệ lãnh đạo thể thao Hà Nội đã đặt nền móng, từ cách làm đến việc đầu tư cho đội hệ thống sân bãi tập luyện, thi đấu tốt hàng đầu châu Á, và chúng tôi may mắn thừa hưởng để xây nhà trên nền móng ấy. Cho nên, đấy vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm của toàn bộ câu lạc bộ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bi sắt Hà Nội và câu chuyện 20 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.