(HNM) - Nếu không có cộng đồng doanh nghiệp (DN) thì không có một nền kinh tế, với những chỉ số quan trọng, như tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm, tổng kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, mức đóng góp ngân sách…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 500.000 DN. Số lượng DN mới đăng ký thành lập liên tục gia tăng, đến nay bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 7.000 DN mới. Riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 61.000 DN mới với tổng số vốn đăng ký hơn 418.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng và kết quả sản xuất, kinh doanh của DN từng bước được củng cố và nâng cao. Từ định hướng sản xuất hướng mạnh về xuất khẩu, đến nay nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mang lại hơn 60 tỷ USD/năm. Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được một số loại sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có giá trị cao: dệt may, da giày, linh kiện máy tính, hàng kim loại gia công, máy móc cơ khí, tàu biển, dầu khí… Sự nỗ lực không ngừng và hiệu quả của cộng đồng DN đã đưa nước ta đứng vào danh sách những nước có mức xuất khẩu trung bình của thế giới.
Nhờ chính sách hội nhập thông thoáng, đến nay số DN đã tăng gấp hơn 5 lần, lao động tăng gần 2,5 lần; nguồn vốn 6 lần; tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn gần 6,5 lần; lợi nhuận trước thuế 5,5 lần; thuế và các khoản đã nộp ngân sách gấp 5 lần so với năm 2000... Đặc biệt, khối DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao hơn tốc độ trung bình, thể hiện bằng việc huy động vốn theo hướng đa dạng hóa đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, việc hỗ trợ DN phát triển đã trở thành mục tiêu quan trọng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Chính phủ cũng có chương trình quốc gia về phát triển đội ngũ DN, doanh nhân. Đây sẽ là bước đột phá giúp DN và doanh nhân ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Trong quá trình vận động, cộng đồng DN còn gặp những vướng mắc, khó khăn từ những nguyên nhân chủ quan mà chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Phần lớn tồn tại đều có liên quan đến các quy định do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, cần bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế. DN phải đối phó với những khó khăn nảy sinh từ phía các cơ quan chức năng, công quyền trong quá trình kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, chủ yếu gồm thủ tục thành lập DN, gia nhập thị trường, thời gian dành cho việc nộp thuế, thủ tục liên quan đến nhà xưởng - đất đai, tiếp cận nguồn vốn và thực hiện vay vốn… Nạn chi phí ngoài luồng, tiêu cực mới chỉ được ngăn chặn một phần và nhìn chung những biến chuyển trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh vẫn chưa thể thỏa mãn sự mong mỏi của DN. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà hằng năm các tổ chức trong và ngoài nước đều điều tra, đặt việc cải cách hành chính (CCHC), mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh là mục tiêu trọng tâm, đồng thời là thước đo "sức khỏe" đối với DN và các cấp chính quyền. Riêng VCCI đã đưa ra kết quả đánh giá sức cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố, công bố công khai tình hình thực tiễn qua những tham số để đối chiếu, làm cơ sở để từng địa phương điều chỉnh.
Thời gian qua Đề án 30 về CCHC của Chính phủ đã phát huy tác dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Tính sơ bộ, cơ quan chức năng đã rà soát, bãi bỏ gần 500 thủ tục và tiếp tục rà soát, bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường hoạt động của hệ thống thông tin theo hướng minh bạch, kịp thời nhằm phục vụ tốt nhất DN và yêu cầu chọn lựa, bố trí đội ngũ cán bộ theo tiêu chí "đúng tầm, đúng tài"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.