(HNM) - Mới ra đời ba năm, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày càng tạo được uy tín trong giới khoa học và công nghệ (KH&CN). Với phương thức tổ chức và cách xét chọn riêng, đây là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình xuất sắc mang tầm thế giới trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Vì thế đã tạo một động lực mới cho nghiên cứu khoa học cơ bản.
"Sân chơi" bình đẳng
"Đây là giải thưởng duy nhất có Hội đồng xét chọn chỉ gồm các nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy. Giải thưởng không tặng cho thành tích của một quá trình mà chỉ tặng cho một tác giả chính của một công trình khoa học xuất sắc đạt tầm cỡ thế giới. Như vậy, cơ hội cho các nhà khoa học lão thành và các nhà khoa học trẻ là như nhau" - GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội - người được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 nhận định về giải thưởng.
Nhiều nhà khoa học cho rằng quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu là chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Cụ thể, thành phần Hội đồng gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành do cộng đồng các nhà khoa học bầu lên và thường có thêm hai nhà khoa học quốc tế có uy tín. Chất lượng của các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí chuyên ngành mà công trình đó đã được đăng và dựa trên ý kiến phản biện được các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia sơ tuyển. Mỗi công trình đều được gửi để xin ý kiến đánh giá của hai nhà khoa học đầu ngành trong nước và một đến ba nhà khoa học có uy tín trên thế giới.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bởi vậy, người được tặng giải thưởng phải được không chỉ cộng đồng khoa học trong nước mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thật sự cho khoa học. "Điều đặc biệt là giải thưởng chỉ được tặng cho cá nhân nhà khoa học, không tặng cho cả tập thể tác giả của một công trình khoa học. Vai trò chủ chốt trong công trình nghiên cứu của nhà khoa học được tặng giải có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, dù mới ra đời ba năm nhưng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã khẳng định được uy tín trong giới khoa học. Bản thân nhà khoa học được nhận giải thưởng cũng cảm thấy rất vinh dự" - GS.TSKH Đinh Dũng chia sẻ.
Là nhà khoa học được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất khẳng định: Trong những năm vừa qua, sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia đã thổi làn gió mới vào sự phát triển của nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, góp phần tạo ra những kết quả ngoạn mục. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản tăng lên rất nhiều so với trước. Nhiều nhà khoa học trẻ được tham gia các hoạt động nghiên cứu, số lượng công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI) đã tăng vọt trong những năm qua. PGS.TS Trần Thanh Hải cũng thừa nhận, từ khi có giải thưởng, không khí hoạt động khoa học tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất trở nên sôi động hơn. Ông cho biết: "Bây giờ, những người làm khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ, coi giải thưởng như một mục tiêu phấn đấu".
Khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức hằng năm, tạo điều kiện xem xét các kết quả nghiên cứu mới. Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia cho biết, trong đợt tiếp nhận hồ sơ đề xuất Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, quỹ nhận được 49 hồ sơ. Tất cả các lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật đều có hồ sơ tham dự, trong đó có nhiều đề xuất trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh - dược học; riêng số lượng đề xuất giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là 19 hồ sơ.
Giải thưởng được tổ chức hằng năm nhằm duy trì sự động viên, khuyến khích thường xuyên đối với hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản. Ông Đỗ Tiến Dũng thông báo: "Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy rằng số lượng hồ sơ đề xuất khá ổn định (khoảng 50 hồ sơ - NV) trong các năm 2014-2016. Điều này cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản diễn ra sôi nổi trong những năm gần đây, cũng như cho thấy sự ủng hộ, hưởng ứng của các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN đối với giải thưởng".
Ngoài Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu từ năm 2009. Trong giai đoạn đầu hoạt động, quỹ tập trung nguồn lực cho chương trình nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Các chương trình tài trợ của quỹ đã đạt được một số kết quả trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và năng lực nguồn nhân lực KH&CN.
Thời gian tới, quỹ sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình nghiên cứu cơ bản, hướng tới nâng cao chất lượng và tăng cường hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, quỹ sẽ triển khai chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia", trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu (trao đổi học thuật; công bố, đăng ký kết quả nghiên cứu), chú trọng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Các chương trình tài trợ nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ tín dụng để khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu cũng sẽ được triển khai nhằm thúc đẩy các hoạt động triển khai KH&CN vào thực tế đời sống, sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.