(HNM) - Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ số. Chỉ trong 6 tháng năm 2021, số doanh nghiệp chuyển đổi số bằng một nửa số doanh nghiệp thực hiện việc này trong nhiều năm qua.
Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực mua bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, tìm kiếm thị trường, thanh toán điện tử, quản lý nhân sự từ xa… Tuy nhiên, ứng dụng số trong sản xuất còn rất yếu. Nguyên nhân là doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản, từ chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng đến chậm thay đổi tập quán kinh doanh, sợ rò rỉ dữ liệu, khó khăn trong tích hợp các công cụ công nghệ thông tin… Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về nguồn lực nội tại thì các doanh nghiệp lớn ngại các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển và Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Chuyển đổi số đã khẳng định hiệu quả ở tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… và đặc biệt trong ứng phó với dịch Covid-19. Vì thế, tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản, tận dụng cơ hội, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và xa hơn là xây dựng nền kinh tế số, là vấn đề quan trọng.
Tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III, diễn ra tháng 12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số, bởi chuyển đổi số tác động tới tất cả lĩnh vực.
Như vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trước hết cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Thực tế, nhiều quốc gia cũng hạn chế về tiềm lực nhưng nhờ bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế, đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Ở đây, thể chế cần đi trước, mang vai trò kiến tạo.
Yêu cầu thứ hai là nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp. Qua 2 năm dịch Covid-19 xảy ra cho thấy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc; chú trọng thay đổi quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ. Để thay đổi nhận thức, doanh nghiệp cần tích cực tham gia nhiều hơn các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.
Cuối cùng, để phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần có những sản phẩm số phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đi cùng với đó là những hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản. Đó là hệ thống tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp, hệ thống điều phối hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chuyển đổi số; cung cấp giải pháp công nghệ số do Việt Nam phát triển giúp hóa giải những vấn đề mà doanh nghiệp trong nước gặp phải…
Chuyển đổi số phải tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả kinh doanh thông qua phát triển mô hình kinh doanh, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới. Đây chính là động lực để doanh nghiệp chuyển mình, tích cực tham gia chuyển đổi số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.