Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng, dốc sức thực hiện

Võ Lâm| 08/05/2012 06:56

LTS: Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 đang được TP Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện. Để có cái nhìn khái quát về Nghị quyết 11-NQ/TƯ và trách nhiệm, quyết tâm thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội (chủ thể chính trong quá trình thực thi Nghị quyết trong 10 năm tới), Báo Hànộimới đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thế Thảo - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.

Báo Hànộimới đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thế Thảo - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. 

Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Ảnh: Tất Bình


- Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với TP Hà Nội. Đâu là những nội dung cần phải quan tâm đặc biệt trong Nghị quyết, thưa đồng chí?

- 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành, TP đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Trân trọng giá trị to lớn của Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, TP Hà Nội đã và đang quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm thống nhất nhận thức, cùng quyết tâm thực hiện. Nghị quyết này là đòn bẩy định hướng quan trọng để Hà Nội phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng và phát triển lên tầm cao mới. Không chỉ xác định phương hướng, giao nhiệm vụ, đề ra giải pháp cho riêng TP Hà Nội, Nghị quyết 11 còn có vai trò quan trọng là xác định trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành TƯ, các tỉnh, thành trong cả nước đối với Hà Nội. Có thể nói, Nghị quyết 11 về Hà Nội, nhưng là của cả nước, là biểu tượng về tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng và trách nhiệm của cả nước đối với Thủ đô. Tuy nhiên, TP Hà Nội với tư cách chủ thể thực hiện Nghị quyết phải ý thức được trách nhiệm cao nhất trong quá trình thực hiện.

- Sự chuyển động của TP Hà Nội nhằm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ đang diễn ra hết sức khẩn trương, thưa Chủ tịch?

- Ngay sau khi tiếp nhận Nghị quyết từ TƯ, TP đã khẩn trương tổ chức quán triệt các nội dung bằng các hoạt động mở rộng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các ngành, các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc này vẫn đang tiếp tục được triển khai và sẽ được duy trì thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết. Chúng tôi nhận thức rằng, chỉ khi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đồng tâm, nhất trí, hết lòng, hết sức thực hiện Nghị quyết, chúng ta mới có thể đạt được những thành quả tốt đẹp. Ngoài ra, cùng với việc thực thi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, thực thi Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Thủ đô, các quy hoạch lớn và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015, TP đã và đang thực thi các nội dung cụ thể của Nghị quyết 11 với quyết tâm cao và triển vọng hết sức tích cực.

Về kinh tế, trong quý I-2012, TP đã khắc phục khó khăn, thử thách gay gắt để giành được những kết quả tích cực. Kinh tế TP tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 7,3%. Vốn đầu tư xã hội ước đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng 10,5%. Thu ngân sách đạt khá với 39.192 tỷ đồng - 27% dự toán Chính phủ giao. Đặc biệt, với chủ trương ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, trong quý I, TP đã chi trợ cấp 233 tỷ đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, cho vay vốn tạo việc làm cho 1.300 lao động, tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm cho gần 4.500 lao động, đã giải quyết việc làm cho gần 32.000 người. Các mục tiêu quan trọng về chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng vẫn được duy trì, bảo đảm.

TP đang nghiêm túc thực hiện các giải pháp của Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. TP cũng đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ, các dự án có trình độ, chất lượng cao. UBND TP đã lập kế hoạch và chỉ đạo xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực với tổng số khoảng hơn 200 quy hoạch lớn nhỏ nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy định, có 19 quy hoạch phải xin ý kiến và trình cấp có thẩm quyền thông qua. Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, HĐND TP đã thông qua 5 quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế. Ngoài ra, 11/17 quy hoạch phân khu đã được hoàn chỉnh để phê duyệt. Quy hoạch chung 5 đô thị vệ tinh, 14 quy hoạch vùng huyện, 3 thị trấn sinh thái đang được tích cực thực hiện, dự kiến phê duyệt trong năm nay. 36 xã cũng đã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 215 xã đã lập xong đang chờ duyệt và 150 xã đang tiến hành… Cùng với việc đẩy mạnh quy hoạch, UBND TP xác định huy động tối đa các nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng đang được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu phấn đấu đạt kết quả cao nhất, xứng đáng vị thế, vị trí, vai trò và trách nhiệm của Thủ đô, trái tim của cả nước.

- Quá trình thực hiện Nghị quyết 11 kéo dài 10 năm, vậy trong 5 năm nhiệm kỳ này, TP Hà Nội sẽ tập trung vào thực hiện những nội dung gì? Xin Chủ tịch cho biết những mục tiêu phấn đấu cụ thể trong nửa đầu thời gian thực hiện Nghị quyết này?

- Các mục tiêu này thống nhất cao với mục tiêu của Kế hoạch Phát triển KTXH của Thủ đô Hà Nội 5 năm 2011-2015. Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong quá trình đó, TP xác định các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường; tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội; ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô.


Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay.     Ảnh: Huy Hùng

Ưu tiên thực hiện 2 khâu đột phá của giai đoạn này gồm: Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ; thứ hai là tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Nghị quyết 11 đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành TƯ và các tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, cũng chính Nghị quyết tổng kết "Sự phân công phân cấp, phối hợp của các bộ, ngành TƯ đối với Thủ đô Hà Nội có mặt còn chưa hợp lý, chưa thường xuyên và kịp thời". Vậy, Hà Nội sẽ chủ động khắc phục những hạn chế này ra sao, thưa đồng chí?

- Rút kinh nghiệm từ việc này, Hà Nội chắc chắn sẽ chủ động hơn trong việc kiến nghị, đề xuất những công việc cụ thể cần sự vào cuộc, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành TƯ, các tỉnh thành trong cả nước. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết nhằm cụ thể hóa từng công việc, giao nhiệm vụ có địa chỉ cho các ngành, các cấp; đồng thời giám sát, kiểm tra nghiêm túc quá trình triển khai, kết quả thực hiện.

- Về phần Hà Nội, để thực hiện tốt Nghị quyết 11, trách nhiệm của các ngành, các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ra sao? Việc kiểm tra, giám sát sẽ được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

- TP nhận thức sâu sắc về vai trò chủ động, trách nhiệm trước tiên của mình trong việc thực hiện Nghị quyết 11. TP sẽ tập trung mọi nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh như phương hướng của Nghị quyết đã đề ra. Hiện nay, các cấp, các ngành TP đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Cùng với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4, TP sẽ quyết tâm tạo chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, nhất là các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. TP đã và đang tập trung vào những việc làm cụ thể như tăng cường thanh tra công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng các kênh thông tin để huy động sức mạnh kiểm tra, giám sát của cộng đồng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Song song với đó là việc phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ của TP có trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. TP cũng sẽ chú trọng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chế tài nhằm siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, nhất là đối với người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng, dốc sức thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.