Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông La, bức tranh đa sắc

Nguyễn Mai| 17/01/2011 07:27

(HNM)- Những năm gần đây, xã Đông La (Hoài Đức) đã giành được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên bức tranh đa sắc cho vùng đất cận đô. Đặc biệt, từ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao.


Khi nghị quyết vào cuộc sống…


Chăm sóc hoa lan tại xã Đông La. Ảnh: Thu Hằng


Là xã thuần nông, Đông La có hơn 2.000 hộ dân với diện tích đất nông nghiệp 280ha. Đất chật, người đông, bình quân đất canh tác chỉ đạt 300m2/người, trong đó, đất lúa chỉ có 39ha, còn lại là đất bãi ven Đáy chủ yếu là cát pha, chỉ trồng được ngô, khoai, dong riềng nên giá trị rất thấp. Theo xu thế phát triển của xã ven đô, đất nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp. Trong điều kiện ấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển nghề thủ công nghiệp truyền thống như chế biến nông, lâm sản, phát triển kinh doanh dịch vụ... là "đòn bẩy" giúp nông dân tăng thu nhập. Năm 2006, Đảng ủy xã Đông La đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND xã lập dự án triển khai cụ thể. Theo đó, toàn bộ diện tích đất hai vụ lúa bên đồng và 110ha đất vũng bãi sông Đáy đã được lên kế hoạch chuyển đổi thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung. Dân đồng tình hưởng ứng, hàng trăm ô thửa nhỏ được dồn đổi thành ô thửa lớn, hệ thống giao thông, thủy lợi được quy hoạch lại, tạo thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu cấy lúa, trồng rau, khoai, sắn thì nay diện tích cho việc này đã giảm, diện tích rau màu, hoa, cây cảnh và cây ăn quả tăng dần, mang lại giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

… và những mùa vàng bội thu


Những ngày đầu năm 2011, cả xã Đông La thơm ngát bởi hàng trăm nghìn giò hoa lan đang vào mùa thu hoạch. Anh Hoàng Ngọc Trường, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thương mại sản xuất hoa lan, cây cảnh Đông La, chủ vườn lan Trường Uyên (thôn Đông Lao) cho biết, nghề trồng lan ở Đông La bắt đầu từ đầu năm 1990, đến nay toàn xã có 55 hộ trồng phong lan vườn với diện tích từ 1.000m2 đến 5.000m2. Hoa lan ở Đông La có hàng trăm loại, chủ yếu có giống gốc từ lan rừng. Nhiều giống lan quý như lan đuôi chồn, lan đuôi sóc, lan đai châu... được các chủ vườn nhân giống, thuần hóa. Đặc biệt là trong khoảng 5 năm gần đây, phong lan Đông La đã được xuất khẩu ra nhiều nước, cho thu nhập bình quân hơn 500 triệu đồng/hộ/năm.

Năm 2009, sau khi HTX được thành lập, chủ vườn lan ở Đông La có "sân chơi" chung, có thể liên kết, trợ giúp nhau về kỹ thuật cũng như thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng lan và khách tham quan, mua hàng, UBND xã đã cho HTX thuê 0,5ha đất để tập trung giới thiệu sản phẩm của các chủ vườn lan. Dự kiến, HTX sẽ xây dựng nhà kính làm khu nuôi cấy, bảo tồn và nhân giống lan rừng quý hiếm, xây dựng phòng trưng bày quảng bá hoa lan Đông La.

Ngoài trồng hoa lan, cây cảnh, đối với diện tích đất bãi, bà con triệt để luân canh 4 vụ/năm. Bên cánh đồng rau trải dài, bà Đoàn Thị Vụ (thôn Đông Lao) cho hay, hầu hết nông dân ở đây đã chuyển sang trồng rau và đang hình thành vùng sản xuất rau an toàn, trong đó cây cà chua vụ đông đang chiếm ưu thế bởi có giá trị kinh tế cao. Trung bình một sào cà chua có thể thu về 5 - 7 triệu đồng/vụ, gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Thôn Đông Lao còn có những mô hình luân canh cho số thu cao như mô hình cà chua, su hào, bắp cải vụ đông + lúa mùa; ngô + lúa...

Hàng trăm hộ dân Đông La đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất ruộng trồng màu trước đây sang trồng cây ăn quả, toàn xã có 65ha cây ăn quả các loại. Vụ cam Canh, bưởi Diễn năm nay, nhiều gia đình ở Đông La thắng lớn do được mùa, được giá. Như hộ chị Tạ Thị Hương ở thôn Đồng Nhân, với 1,5 mẫu cam và bưởi đã thu về hơn 300 triệu đồng tiền lãi.

Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Văn Mừng cho biết, toàn xã có hơn 2.000 hộ dân, nay chỉ còn 70 hộ nghèo, giảm 16 hộ so với năm 2009. Trong năm 2010, toàn xã đã có 215 ngôi nhà được xây mới, trong đó có nhiều nhà tiền tỷ. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2015, Đông La sẽ tiếp tục bê tông hóa toàn bộ hệ thống giao thông nội đồng, kéo điện về vùng chuyển đổi phục vụ nông dân mở rộng sản xuất. Ngoài ra, 120ha đất nông nghiệp ven Đáy cũng sẽ được chuyển đổi phát triển theo hướng nông nghiệp du lịch sinh thái, góp phần mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân, đưa Đông La sớm trở thành xã nông thôn mới của huyện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đông La, bức tranh đa sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.