(HNMO)- Những ngày đầu xuân này, Antoine Sadoul cùng với bạn gái Maria Sanchez tới Hà Nội để thăm lại những nơi mà người cụ của anh- bác sỹ quân y người Pháp Louis Sadoul đã từng có mặt từ những năm 1889- 1905. Dòng họ Sadoul hiện đang lưu giữ bộ ảnh đen trắng quý giá chụp Hà Nội và nhiều địa danh khác của Việt Nam.
Ông bà Pierre Sadoul trước ảnh cụ Louis Sadoul (1860-1912)
(HNMO)- Những ngày đầu xuân này, Antoine Sadoul cùng với bạn gái Maria Sanchez tới Hà Nội để thăm lại những nơi mà người cụ của anh - bác sỹ quân y người Pháp Louis Sadoul đã từng có mặt từ những năm 1889- 1905. Dòng họ Sadoul hiện đang lưu giữ bộ ảnh đen trắng quý giá chụp Hà Nội và nhiều địa danh khác của Việt Nam do chính cụ Louis Sadoul chụp trong giai đoạn 1889-1894 và 1903-1905 (theo ghi chép trong hồi ký và đối chiếu với sổ lý lịch của cụ).
Cầu Long Biên còn nguyên nhịp duyên dáng như một tác phẩm điêu khắc công nghiệp đầy chất thơ với những nhịp cuối nhòe dần vào sương khói bên kia bờ sông Hồng, phố Hàng Ngang (rue des Cantonnais 1890) với những mái ngói phố cổ nghiêng nghiêng xếp lớp, những trụ mái nhấp nhô cho ta một cái nhìn thấu đáo hơn về kiến trúc đặc trưng của khu 36 phố phường, phố Tràng Tiền (Rue Paul Bert) với hai hàng cây bên đường và những dáng người Kẻ chợ xưa... Hà Nội qua những bức ảnh của bác sĩ Louis Sadoul hiện lên thật cổ kính, lãng mạn và thanh bình. Vẫn cây cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Bách Thảo, hồ Tây, những con phố... thật thân quen, nhưng đến nay đã nhiều đổi khác. Đặc biệt có một bức ảnh chụp hồ Hoàn Kiếm có tượng nữ thần Tự do ngự trên Tháp Rùa. Theo nhật ký của bác sỹ Louis ghi lại, bức tượng được đặt trên đỉnh tháp rùa một thời gian ngắn, rồi được chuyển ra vườn hoa Cửa Nam. Phía bên phải bức ảnh ta còn thấy rõ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, vươn thật cao và nổi bật so với những ngôi nhà cổ mái ngói sát bên mép hồ.
Cảnh hồ Hoàn Kiếm năm 1890 do bác sĩ Louis Sadoul chụp.
Antoine Sadoul rất thích thú khi được ngắm những phong cảnh và công trình kiến trúc cổ của Hà Nội đã từng được cụ của anh ghi lại. Antoine kể:" Hồi còn bé, tôi được cha mẹ đưa đến thăm nhà ông Georges Sadoul (con trai của cụ Louis Sadoul) ở Figeac, miền trung nước Pháp. Tôi đã hết sức ngạc nhiên và ấn tượng khi ngắm nhìn ngôi nhà của cụ, được trang trí theo phong cách Việt Nam với những đồ tre nứa và gỗ, một sự kết hợp rất thú vị giữa phương đông và phương tây. Tôi ngắm nhìn ảnh cụ Louis trong trang phục quân nhân Pháp được treo ở phòng khách và bức ảnh chụp con ngựa bạch của cụ bên hào nước trước cột cờ Hà Nội. Tôi rất vui và cảm động khi mấy hôm nay được tận mắt thấy những nơi cụ của chúng tôi đã từng sống và chụp ảnh. Tuy nhiên những bức ảnh chụp phố xá xưa thì nay không thể nhận ra".
Vợ chồng bác sĩ Louis Sadoul tại Hà Nội năm 1903
Năm 2008, bác của Antoine và là cháu nội của bác sĩ Louis Sadoul là bác sĩ Pierre Sadoul cũng đã tới Hà Nội và mang theo bộ ảnh của cụ Louis với mục đích thăm lại những nơi chốn trong ảnh cụ chụp. Trong đó có mấy bức ảnh chụp nhà bác sĩ Louis Sadoul mà trong nhật ký cụ mô tả là nằm ở góc đại lộ Gambetta và Henri Riviere (tức ngã tư phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền ngày nay). Khung cảnh nay đã khác xưa quá nhiều. Anh hướng dẫn viên du lịch Lê Thanh Hải cũng không thể giúp họ nhận ra vị trí ngôi nhà. Nhưng thông qua sự giới thiệu và giúp đỡ của anh Hải, vợ chồng bác sĩ Pierre Sadoul đã tặng lại gần 100 bức ảnh, trong đó có 67 bức ảnh về Hà Nội cổ cho cha con nhà giáo Đoàn Thịnh và kiến trúc sư Đoàn Bắc. Những bức ảnh quý và độc đáo này đã làm tăng thêm giá trị của bộ sưu tập ảnh của cha con nhà giáo Đoàn Thịnh tích cóp từ nhiều năm nay. Bộ sưu tập đã được ra mắt công chúng vào đúng dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội tại tòa nhà mới của chợ Hàng Da và sau đó tại một số trường học ở Hà Nội. Những bức ảnh cổ đã gây nhiều xúc động cho người xem, gợi nhớ những ký ức về một Hà Nội xưa cổ kính, lãng mạn và thanh bình.
Cầu Long Biên Thế kỷ 19
Gia đình bác sĩ Pierre Sadoul hiện còn giữ chiếc máy ảnh cổ của cụ Louis Sadoul đã sử dụng để chụp những bức ảnh quý giá này, những trang nhật ký dày dặn với nét chữ nắn nót tuyệt đẹp của cụ. Cụ đã làm bác sỹ chữa bệnh tại các bệnh viện ở Thị Cầu (giữa Bắc Ninh và Đáp Cầu), bệnh viện quân đội trong Thành cổ Hà Nội, rồi ở Lai Châu, Sài Gòn, Lào Cai, một trạm điều dưỡng gần Hải Phòng. Bác sĩ Louis đã từng chữa bệnh cho Đèo Văn Seng làng Ban Hioum gần Lai Châu theo lời mời của người con là vua Thái Đèo Văn Trị. Ông Pierre cho biết: "Chúng tôi có thông tin rất cụ thể bởi sau chiến dịch cuối cùng ở Việt Nam, ông đã viết hồi ký, đó là bản viết tay sử dụng trong gia đình, thực sự là một cuốn tiểu thuyết về chuyến viễn du của ông và các cuộc gặp gỡ với người dân trên khắp Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn giữ chiếc máy ảnh mà ông mang đi khắp mọi nơi chụp và các tấm kính ảnh do chính ông rửa. Trong thời gian sinh sống và làm việc của bác sĩ Sadoul, ông đã kết bạn với nhiều người Việt Nam. Chúng tôi rất muốn tiếp nối và duy trì tình cảm của ông nội chúng tôi với đất nước các bạn".
Tác giả bài viết trò chuyện cùng Antoine Sadoul về những bức ảnh
của cụ nội anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.