Hà Nội kết nối

Đồng hồ đếm ngược tại đèn tín hiệu giao thông: Nên bỏ hay không?

An Tôn 05/07/2024 10:05

Cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh dự định bỏ đồng hồ đếm ngược này tại các cụm đèn tín hiệu giao thông và thông tin này nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

a54.jpg
Nhiều luồng ý kiến xung quanh việc ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh thí điểm bỏ đồng hồ đếm ngược tại trụ đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: An Tôn

Mấy ngày qua, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh xôn xao về việc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải bắt đầu thí điểm không đếm ngược số giây trước khi đèn giao thông chuyển màu tại một số giao lộ lớn.

Đó là các giao lộ giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám; với đường Trương Định và với đường Bà Huyện Thanh Quan (đều thuộc quận 3). Mới nhất, việc thí điểm này được thực hiện tại ngã tư đường Mai Chí Thọ cắt Tố Hữu (thành phố Thủ Đức).

a56.jpg
Giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (thành phố Thủ Đức) là ngã tư mới nhất được thí điểm bỏ đồng hồ đếm ngược trên đèn giao thông. Ảnh: An Tôn

Theo đó, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ này sẽ bỏ đồng hồ đếm ngược, chỉ còn hệ thống đèn 3 màu: Đỏ, vàng, xanh. Tùy theo lượng phương tiện và thời gian trong ngày, đèn giao thông tại các khu vực này có thể thay đổi linh hoạt độ dài chu kỳ các pha đèn.

Cơ quan quản lý nhận định: Việc bỏ đồng hồ đếm ngược trong cụm đèn giao thông ở giao lộ có thể chấm dứt tình trạng lái xe vượt khi còn vài giây, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, qua khảo sát nhanh của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều người dân tỏ ý không đồng tình với quan điểm này. Ông Dương Khánh Nguyên, ngụ tại phường Võ Thị Sáu (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Có đồng hồ đếm ngược, tôi đi từ xa đã biết nên giảm ga hay giữ tốc độ khi qua giao lộ, bởi biết được thời gian chuyển đèn, nên chủ động tốc độ chạy xe”.

a57.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng việc giữ đồng hồ đếm ngược sẽ giúp người điều khiển phương tiện qua lại chủ động hơn. Ảnh: An Tôn

Chị Kiều Thị Hiệp (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh), đã thẳng thắn phát biểu ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây với Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh: “Việc đèn tín hiệu thay đổi đột ngột sẽ khiến người đi đường bị động hơn trong duy trì tốc độ lưu thông trước khi vào giao lộ. Việc dừng xe gấp khi bất ngờ gặp đèn đỏ cũng khiến nguy cơ xảy ra va chạm giao thông trở nên lớn hơn. Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi quyết định thay đổi”.

Bạn Trương Đình Khang (sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) nêu quan điểm: “Không nên vì một số trường hợp cá biệt tăng tốc vượt ngã tư khi đồng hồ đếm ngược về số 0 hoặc không nên vì một số người bấm còi xe giục giã khi đồng hồ đếm ngược còn vài giây mà bỏ đi tiện ích này. Người cố tình vi phạm sẽ vẫn vi phạm dù trong hoàn cảnh nào. Mong các chuyên gia nghiên cứu kỹ”.

a58.jpg
Ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định thí điểm bỏ đồng hồ đếm ngược. Ảnh: An Tôn

Nhận xét về quan điểm này, anh Hoàng Hữu Bảo (phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Mục tiêu cuối cùng của tổ chức giao thông tại giao lộ là tăng lượng phương tiện lưu thông qua nút giao một cách an toàn. Việc để người tham gia giao thông chủ động dừng hay di chuyển phương tiện cũng rất quan trọng hướng đến mục tiêu trên. Trong khi chúng ta chưa có được hệ thống đèn tín hiệu thông minh thay đổi nhịp theo lượng phương tiện, việc duy trì đồng hồ đếm ngược vẫn cần thiết”.

Thực tế cho thấy việc người tham gia giao thông vi phạm tín hiệu đèn hay không là do ý thức của họ, chứ không phải do có hay không có đồng hồ đếm ngược. Nguồn: An Tôn

Từ hướng ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc bỏ đồng hồ đếm ngược tại cụm đèn tín hiệu giao thông tại một số giao lộ là cần thiết. Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức, thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra 3 lý do để bỏ đồng hồ đếm ngược.

Một là, nhịp đèn tín hiệu giao thông qua giao lộ cần thay đổi linh hoạt căn cứ theo lưu lượng xe vào từng thời điểm, nhất là với những nút giao thông lớn, không nên cố định theo đồng hồ tính thời gian dừng hay lưu thông. Các nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, châu Âu và mới nhất là Trung Quốc đều không còn sử dụng bộ đèn giao thông đếm ngược.

Hai là, việc xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh cho phép ưu tiên xe buýt, phương tiện vận tải hành khách công cộng được qua nút giao thông.

Ba là, việc không có đồng hồ đếm ngược sẽ khiến những người có tâm lý “ăn gian” đi qua nút giao thông trở nên cẩn trọng hơn.

Trước những luồng quan điểm khác nhau, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, qua thời gian thí điểm bỏ đồng hồ đếm ngược tại 3 nút giao thông trên trục đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cho thấy số trường hợp tranh thủ vài giây ở hai pha đèn đếm ngược đã giảm, đồng nghĩa với việc giảm nguyên nhân dẫn đến các vụ va chạm giao thông tại giao lộ.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều góp ý về việc không nên bỏ đồng hồ đếm ngược ở cả 3 pha đèn. Cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu thí điểm bỏ đồng hồ đếm lùi ở pha đèn đỏ, giữ đếm ngược ở các pha đèn còn lại để tiếp tục theo dõi, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp", ông Võ Khánh Hưng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hồ đếm ngược tại đèn tín hiệu giao thông: Nên bỏ hay không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.