Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành với nông dân

Bạch Thanh| 24/01/2023 09:14

(HNM) - Xuân Quý Mão 2023 là một mùa xuân đặc biệt với những người làm công tác khuyến nông. 30 năm đồng hành cùng nông nghiệp - nông thôn - nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng được các mô hình nổi bật, góp phần chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, mang lại diện mạo mới cho khu vực ngoại thành…

Mô hình nho Hạ đen của hộ ông Nguyễn Hữu Hợi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng nông dân phát triển mô hình mới

Chỉ 3-4 năm “bén duyên” với nông dân Hà Nội, cây nho Hạ Đen đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị xã từ vùng núi Ba Vì đến vùng chiêm trũng Phú Xuyên hay vùng đồi gò Chương Mỹ… Ở địa phương nào cây nho Hạ Đen cũng minh chứng được hiệu quả tích cực, không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, mà còn có nhiều tiềm năng gắn phát triển sản xuất với các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm.

Tới với vườn nho Hạ Đen trĩu trịt quả tròn to, căng bóng, tỏa mùi hương nhè nhẹ của anh Nguyễn Hữu Hợi ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, phóng viên Báo Hànộimới được biết: Cán bộ khuyến nông từ huyện đến thành phố đã đồng hành xây dựng mô hình, hỗ trợ tất cả các khâu từ giống, vật tư, kỹ thuật, đến xây dựng thương hiệu… Nhờ đó, năm 2019, 2020 khi xuống giống, tỷ lệ đậu quả loại 1 của vườn đã lên tới 60%. Đến năm 2022 là chu kỳ thứ hai cho khai thác quả, giá trị thu nhập trên một héc ta canh tác đã đạt tới 500 triệu đồng, dự kiến năm thứ ba và những năm tiếp theo khi cây trưởng thành, giá trị thu nhập sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đến nay, gia đình anh Nguyễn Hữu Hợi đã nắm chắc kỹ thuật trồng nho Hạ Đen. Không chỉ giữ bí quyết làm giàu cho bản thân, anh Nguyễn Hữu Hợi đã tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật cho bất kỳ hộ dân nào muốn làm giàu từ cây nho Hạ Đen.

Về hành trình cây nho Hạ Đen “bén duyên” trên đất Thủ đô, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho rằng: Người nông dân Hà Nội vốn có nền tảng kiến thức, ham học hỏi, nhanh tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, khả năng tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế, số nông dân chuyên tâm “dầm mưa dãi nắng” trên đồng ruộng không nhiều. Do đó chọn được điểm để chuyển giao mô hình nho Hạ Đen là cả vấn đề. Bởi lẽ nho Hạ Đen không phải là loài cây dễ tính, “làm chơi ăn thật”, mà đòi hỏi nông dân ăn ngủ cùng cây trồng. Đưa mô hình vào thử nghiệm, nhiều hôm đến 23h00 nhưng cán bộ khuyến nông và chủ vườn vẫn theo bám ruộng vườn. Bù lại, những vất vả, cây không phụ công người, đến nay hầu hết nông dân gắn bó, chuyên tâm với mô hình này đều mang về trái ngọt. Mô hình nho Hạ Đen đã mở ra hướng mới, bắt nhịp với xu hướng phát triển và cũng là mục tiêu của nông nghiệp Thủ đô  - phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm, qua đó gia tăng giá trị sản phẩm.

Mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu mạ khay cấy máy đến gặt đập liên hợp triển khai thành công ở các huyện, thị xã cũng là “điểm sáng” của khuyến nông Hà Nội. Cả chục năm bền bỉ nỗ lực đưa cơ giới vào sản xuất, những người làm công tác khuyến nông có thể tự hào về những thành quả đạt được.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà, huyện Đông Anh Lê Văn Tị cho biết: Doanh thu từ làng nghề và các loại hình dịch vụ khác ở Liên Hà lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nhà nhà làm nghề với mức thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi người một tháng, nhưng hơn 500ha đất nông nghiệp vẫn được thâm canh 2 vụ lúa, năng suất cao và nhiều diện tích đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị như cây ăn quả, hoa cây cảnh...

Thành công đó là nhờ mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ mạ khay cấy máy đến gặt đập liên hợp của khuyến nông Hà Nội những năm qua. Hơn 90% các khâu trong sản xuất lúa đã có máy móc “gánh vác”, nông dân làm ruộng đúng nghĩa, chỉ thăm đồng, kiểm tra tình hình rồi báo tổ dịch vụ. Mà khi đã cơ giới hóa đồng bộ thì tiết kiệm đủ đường, từ công lao động đến giống, vật tư, phân bón…

Các mô hình khuyến nông của Hà Nội trước khi đưa vào làm điểm, hỗ trợ nông dân sản xuất để làm cơ sở nhân rộng đều được nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn kỹ càng.

Cách làm mới tạo giá trị lớn

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng hàng trăm mô hình ở tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản… để lại nhiều dấu ấn trong thực tế sản xuất. Thành quả rất đáng ghi nhận nhưng với những người làm khuyến nông thì vẫn còn đó nhiều trăn trở và ước vọng, để công tác khuyến nông ngày một đổi mới, đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu từ thực tiễn đời sống. 

Thực tế cho thấy, có rất nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả cao, nhưng để nhân rộng trong sản xuất vẫn là cả vấn đề, thách thức luôn ở phía trước. Nói như nhiều cán bộ khuyến nông “lão làng” là, nhìn thấy “ngon” thế, không làm được tiếc lắm, nhưng làm thành công mà mức độ lan tỏa chưa tương xứng… thì trăn trở vẫn còn “treo” ở đó.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu nói với phóng viên Báo Hànộimới: Mạ khay cấy máy là một mô hình gắn với chủ trương lớn của ngành. Triển khai thực hiện hiệu quả lĩnh vực này đồng nghĩa với việc không có đất bỏ hoang ở khu vực ven đô; các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp phát triển không lo thiếu nhân lực bởi ai làm nghề cứ làm, đất nông nghiệp mỗi năm 2 vụ lúa đã có hợp tác xã, tổ hợp tác gánh vác. Và, người nông dân chỉ cần đứng đầu bờ, nhận lúa về, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Cảnh “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, chong đèn đi cấy đêm để tránh cái nắng 40 độ hay lội bùn trong cái rét thấu xương mãi mãi là dĩ vãng. Lợi ích là vậy thế mà cả chục năm đưa mô hình vào đồng ruộng mới có khâu gặt đập đạt trên 90%, khâu cấy mới chỉ đạt 2-5% diện tích gieo cấy mỗi vụ…

Các mô hình khuyến nông của Hà Nội trước khi đưa vào làm điểm, hỗ trợ nông dân sản xuất để làm cơ sở nhân rộng đều được nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn kỹ càng. Cùng với đó là sự đồng hành của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nên mang lại hiệu quả cao. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương chia sẻ: Mô hình khuyến nông của Hà Nội đáp ứng nhu cầu sản xuất của từng nhóm khác nhau từ nhóm hộ nông dân có kiến thức, kỹ năng, ham học hỏi làm giàu đến các nhóm nông dân vốn nhỏ, trình độ kỹ thuật hạn chế với mục đích vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống… Tuy nhiên, để khuyến nông thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng nhà nông rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như những đổi mới về cơ chế chính sách. Đơn cử, Hà Nội đang phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng do chưa có định mức kỹ thuật đối với lĩnh vực này nên khuyến nông chưa thể xây dựng mô hình điểm.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của người làm khuyến nông cũng được ghi nhận xứng đáng. Trong ngày cuối năm 2022, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định, nông nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm qua có sự đóng góp của đội ngũ những người làm công tác khuyến nông. Họ thực sự là “điểm sáng” trong việc hỗ trợ nông dân trong sản xuất, xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Thực tế phát triển của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển của khoa học, công nghệ... đòi hỏi lĩnh vực khuyến nông phải có những đổi mới mạnh mẽ về hoạt động. Với nền tảng sẵn có, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ hình thành được nhiều mô hình mang lại hiệu quả thực tế cao, đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Thủ đô. Hoàn toàn có thể tin vào điều đó, cũng như chuyện mùa Xuân đương nhiên sẽ đến!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành với nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.