Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành, gắn bó cùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô

Dương Linh| 25/04/2016 06:26

(HNM) - Gắn bó, sâu sát, không ngại khó, ngại khổ, luôn cố gắng hết mình để vận động đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc... - Họ chính là những cán bộ của Ban Dân tộc TP Hà Nội.


Thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có trên 68.000 người DTTS sinh sống tại 30 quận, huyện, thị xã; tập trung nhiều hơn cả là tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS, miền núi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay sau khi được thành lập (theo Quyết định số 28/QĐ-UBND, ngày 2-8-2008, của UBND TP Hà Nội), Ban Dân tộc thành phố đã nỗ lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, chủ động tham mưu cho thành phố ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khu vực miền núi với thành thị; nâng cao đời sống của đồng bào; bảo đảm công bằng xã hội, bình đẳng, đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì). Ảnh: Bá Hoạt


Ngoài việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Ban Dân tộc thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015; tiếp đó là Kế hoạch 166 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015. Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh cho biết, Ban tiếp tục tham mưu các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững ở 14 xã dân tộc miền núi trong giai đoạn 2016-2020, tiêu biểu như Đề án "Xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo".

Tính đến nay, Ban Dân tộc thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch được thành phố bố trí nguồn vốn là 500 tỷ đồng đầu tư 65 dự án, xây dựng 46 nhà văn hóa thôn của 3 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai) với tổng kinh phí là 92 tỷ đồng, 5 dự án nâng cấp hệ thống điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, thành phố đã đầu tư hơn 1,2 nghìn tỷ đồng cho 202 công trình. Diện mạo nông thôn miền núi của Thủ đô có nhiều đổi thay, nhất là hệ thống đường giao thông.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Những kết quả đạt được từ các chương trình đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc đã tạo nên bước chuyển biến cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,2% năm 2011 xuống còn 5% năm 2015; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi đã có trụ sở UBND xã kiên cố, nhà văn hóa thôn, điểm bưu điện văn hóa và mạng lưới điện quốc gia. 14/14 xã dân tộc miền núi có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được trải thảm nhựa và bê tông; trên 60% đường liên thôn được bê tông hóa; có 2/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp đạt từ 80% trở lên; số trường và điểm trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Nhiều lễ hội, phong tục tập quán được khôi phục, bảo tồn… Ông Lý Văn Phủ, Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì cho biết: "Đời sống của bà con trong thôn chúng tôi được cải thiện nhiều. Điện về đến từng nhà. Đường được sửa sang và mở rộng hơn, xe ô tô vào đến tận thôn". Chị Dương Thị Hợi, người dân Yên Sơn, vui mừng: "Trạm y tế xã được xây dựng, bà con không phải đi xa hàng chục cây số lên bệnh viện huyện, thành phố để khám, chữa bệnh nữa".

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố khích lệ đoàn kết, xây dựng đời sống mới trong đồng bào. Nhiều hộ giàu lên nhờ phát triển mô hình trang trại, như gia đình ông Quách Đình Lý, anh Nguyễn Văn Thắng và chị Bùi Thị Biên (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất)… Nói về quá trình sản xuất của gia đình, anh Thắng cho biết, đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ làm công tác dân tộc trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. "Chúng tôi được tìm hiểu, học hỏi nhiều kiến thức để phát triển kinh tế tại địa phương. Nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Diện tích đất hoang hóa được thu hẹp, tận dụng để trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Có gia đình mỗi năm đã thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhiều nhà trong xã đã có ti vi, xe máy, các vật dụng tiện nghi hiện đại phục vụ đời sống…" - anh Thắng phấn khởi nói.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS miền núi hôm nay đã được cải thiện, nâng cao. Trong sự đổi thay tích cực đó, có dấu ấn, đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc thành phố đến cơ sở. Họ luôn sâu sát với dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi. Niềm vui của bà con các DTTS, miền núi chính là động lực để đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành, gắn bó cùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.