(HNM) - Hà Nội ngày 1-7, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ khoảng 33 độ C mang đến cảm giác yên lòng cho hơn 76.000 thí sinh và các bậc cha mẹ trong ngày đầu tham gia kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2016.
Những sự đồng cảm...
Từ đầu giờ sáng 1-7, nhóm tình nguyện viên Câu lạc bộ “Cơm 5.000 đồng Hà Nội” đã tất bật chuẩn bị cho việc phát cơm, nước và quạt giấy miễn phí cho phụ huynh và học sinh tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội. Bạn Tưởng Thị Như Ý, điều phối viên nhóm tình nguyện đến từ Học viện Chính sách và Phát triển, cho biết: “Từ nhiều ngày trước cả nhóm đã phân công rõ phần việc cho từng thành viên. Mọi người đều rất háo hức và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao”. Môn thi toán buổi sáng kết thúc, hàng chục phần cơm hộp kèm theo nước uống được các bạn phân phát đến tay phụ huynh, học sinh có nhu cầu. “Phần cơm hôm nay có cơm, đậu xào lòng gà, nem rán, thịt lợn rang, canh chua nấu thịt. Sang ngày thi thứ hai, thực đơn có chút thay đổi là cơm gà quay, dưa góp và canh đùi gà” - Như Ý cho biết thêm. Nhận suất cơm từ tay tình nguyện viên, bà Nguyễn Thị Hường, đến từ huyện Ba Vì (Hà Nội) xúc động: “Từ hôm xuống Hà Nội đến nay, mẹ con tôi luôn được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ tận tình. Tôi rất vui và yên tâm khi nhận được nhiều thông tin hữu ích từ các cháu sinh viên, đặc biệt là bữa cơm trưa miễn phí rất sạch sẽ và thơm ngon”.
Câu lạc bộ “Cơm 5.000 đồng Hà Nội” phục vụ cơm miễn phí tại Hội đồng thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Nhóm tình nguyện viên tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội có 17 người thuộc nhiều trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn. Sinh viên Nguyễn Chí Thanh đang học năm thứ 4 Đại học Kinh tế quốc dân tâm sự: “Làm tình nguyện viên là một trải nghiệm khó quên. Qua đây em phần nào hiểu được nỗi vất vả và sự lo lắng của những bậc làm cha làm mẹ mỗi khi có con đi thi. Chúng em đã từng trải qua việc thi cử nên càng có sự đồng cảm và chia sẻ”. Nguyễn Chí Thanh cho biết, Câu lạc bộ “Cơm 5.000 đồng Hà Nội” tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi, đồng hành cùng sĩ tử” ở 10 điểm trên địa bàn TP Hà Nội và 5 điểm ở tỉnh Thanh Hóa.
Cũng tại điểm thi Đại học Sư phạmHà Nội, chúng tôi bắt chuyện với chị Nguyễn Thúy Nga ở phường Kim Sơn, thị xã Sơn Tây. Chị Nga và con gái Khuất Kim Thu về Hà Nội từ ngày 30-6, thuê nhà nghỉ ngay gần Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Con vào phòng thi, mẹ ngồi ngoài đường chờ, mặc cho khói bụi bởi: “Về thì sốt ruột lắm. Mấy ngày nay cả gia đình luôn động viên cháu làm bài tốt. Cháu có ước nguyện theo học ngành công an, tuy nhiên còn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này như thế nào. Buổi sáng thi môn toán cháu làm bài tốt, đạt khoảng 80%. Công việc bận quanh năm nhưng dịp quan trọng này mình phải sát cánh bên con để động viên, đỡ đần...” - chị Nga chia sẻ.
Tại điểm thi Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ), chị Vũ Hồng Loan ở xã Liên Bạt (Ứng Hòa) xúc động nói: Cách đây hơn một tháng, con gái tôi bị tai nạn, gẫy chân, phải bó bột. Đến điểm thi, đang rất hoang mang vì chưa biết đưa cháu vào phòng thi bằng cách nào thì mẹ con tôi được các sinh viên tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ. Ngày hôm qua, cháu được bạn Nguyễn Văn Công là sinh viên tình nguyện Trường Đại học Lâm nghiệp cõng từ tầng 4 xuống. Công đã cho tôi số điện thoại, dặn tôi nếu có khó khăn gì cần giúp đỡ thì cứ gọi bạn ấy. Sáng nay, con gái tôi được bác bảo vệ điểm thi cõng lên tầng 4; còn lúc xuống tôi đã gọi điện nhờ bạn Công cõng cháu. Tôi thật sự xúc động với những việc làm của các bạn tình nguyện viên...
...và niềm vui của “người tiếp sức”
Vẫn những công việc như nhiều chiến dịch khác, bóng áo xanh tình nguyện trong mùa thi luôn là điểm tựa đáng tin cậy của thí sinh và người nhà thí sinh. Phan Hải Nam, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Điện lực đứng phân luồng giao thông tại cổng Học viện Kỹ thuật quân sự hồ hởi nói: "Mình tham gia vào đội tình nguyện của trường, được phân công nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng cảnh sát phân luồng giao thông ở khu vực này. Mùa thi năm trước, mình và bố ở xa đến, bỡ ngỡ lắm, may nhờ có các anh chị sinh viên tình nguyện chỉ đường, tìm giúp chỗ nghỉ ngơi nên bố con mình đỡ vất vả, mình yên tâm học và thi đạt kết quả tốt. Năm nay mình lại trở thành người chỉ đường cho các em, vui lắm".
Gần đó, nhóm sinh viên của Trường Đại học Thành Tây (Yên Nghĩa, Hà Đông) đang khệ nệ bê những thùng nước, mồ hôi ròng ròng. Một bạn trong nhóm nói: "Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thành Tây chia nhiều nhóm, phân công nhau hỗ trợ trên khắp các điểm thi thuộc địa bàn Hà Nội. Chúng em được phân công đưa nước khoáng cho thí sinh và người nhà tại khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy. Những đội nhóm khác phụ trách hướng dẫn chỉ đường đã làm việc từ hôm qua, còn chúng em bắt đầu làm việc từ sáng sớm nay đến hết mùa thi".
Vì một kỳ thi an toàn
Có mặt tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo ở phố Xốm, phường Phú Lãm (Hà Đông) vào đúng lúc thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn toán, chúng tôi nhận thấy giao thông ở đây khá trật tự. Thiếu tá Bùi Văn Huy, Trưởng Công an phường Phú Lãm cho biết: Điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo nằm trên tuyến quốc lộ 21B, gần các ngã ba đường giao nhau, gần chợ dân sinh nên có nhiều khả năng xảy ra ùn tắc. Vì thế, Công an phường đã tập trung giải tỏa các hàng quán lấn chiếm vỉa hè xung quanh địa điểm thi từ trước ngày 29-6. Trong những ngày diễn ra kỳ thi, các lực lượng được giao nhiệm vụ cụ thể, mọi “chốt” phải thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, mỗi người một nhiệm vụ, người làm công tác hướng dẫn, sắp xếp các phương tiện để đúng nơi quy định; người tuần tra xung quanh khu vực, không để xảy ra tình trạng chuyển tài liệu, đáp án vào khu vực thi... Bên cạnh đó còn có lực lượng kiểm soát dọc tuyến quốc lộ 21B, đặc biệt tại khu vực cổng trường để nhắc nhở người tham gia giao thông, người nhà thí sinh và thí sinh không dừng đỗ xe dưới lòng đường…
Ngay từ những phút đầu tiên của kỳ thi, khi giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội đã nhấn mạnh, không để bị động trong mọi tình huống; đề phòng mưa to, gió lớn và ùn tắc giao thông, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Với phương châm tận tụy hết lòng phục vụ nhân dân, Đại tá Đào Vịnh Thắng căn dặn mỗi CSGT Thủ đô cần nâng cao hình ảnh văn minh, thanh lịch sẵn sàng giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh bất kể tình huống nào...
Kỳ thi vẫn còn, những cung bậc cảm xúc tiếp tục dâng tràn… Sĩ tử hãy yên tâm làm bài đạt kết quả tốt, bởi ngoài bàn tay yêu thương của cha mẹ còn có cả xã hội đang đồng hành, dành cho các em những điều tốt đẹp nhất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.