(HNMO) - Sáng 9-10, tại tỉnh Hà Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam”.
Quảng cảnh hội thảo. |
Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội thảo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Lương Khánh Thiện.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, đồng chí Lương Khánh Thiện, sinh năm 1903, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm (nay thuộc TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam; là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và lý lưởng cao đẹp của Đảng.
Năm 1923, khi tròn 20 tuổi, đồng chí Lương Khánh Thiện bắt đầu được giác ngộ cách mạng. Với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, không sợ khó khăn, gian khổ và có những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 4-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Tháng 5-1930, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt và bị kết án tù khổ sai chung thân. Năm 1932, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, đồng chí vẫn bí mật hoạt động, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản kiên trung. Tháng 6-1936, Chính phủ mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương phát triển rất mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều chiến sĩ cách mạng bị tù ở Côn Đảo được trả tự do. Tháng 11-1936, ngay sau khi ra tù, đồng chí Lương Khánh Thiện đã liên hệ với tổ chức Đảng ở Hà Nội để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Cuối năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện đã liên lạc được với các đồng chí: Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu và bắt đầu một thời kỳ mới - thời kỳ hoạt động bí mật, trực tiếp lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể cách mạng và phong trào công nhân ở Thủ đô Hà Nội, với những đóng góp nổi bật...
Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, đối với Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện là người cán bộ lãnh đạo chủ chốt gương mẫu, trí tuệ, sáng tạo và có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô, thời kỳ từ năm 1936 đến năm 1941, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một mốc son rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện là vào tháng 3-1937, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được tín nhiệm bầu vào Xứ ủy, được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong thời gian này, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô. Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản để đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của thế hệ trẻ Thủ đô; lãnh đạo xây dựng và phát triển mạnh phong trào công nhân ở Hà Nội và lập Hội Ái hữu, đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là đồng chí Lương Khánh Thiện, phong trào đấu tranh của công nhân Thủ đô được đẩy mạnh, ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và trở thành phong trào nòng cốt trong cuộc vận động dân chủ của Đảng ở thành phố. Đồng chí Lương Khánh Thiện cũng có nhiều đóng góp quan trọng để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng của Hà Nội thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, góp phần mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo. |
Tháng 1-1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân, đồng chí Lương Khánh Thiện, lúc đó nắm giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường và khí tiết cao đẹp của người đảng viên cộng sản. Biết không thể khuất phục được đồng chí, sáng ngày 1-9-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Lương Khánh Thiện, tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng). Đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhưng hình ảnh một người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội vẫn còn sống mãi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của cách mạng Việt Nam và trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô, đất nước.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.