Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng chảy tín dụng sẽ về đâu?

Hà Linh| 17/12/2022 06:27

(HNM) - Chỉ tiêu tín dụng đã được nới thêm 1,5-2%, tương đương hàng trăm nghìn tỷ đồng có thể được “bơm” vào nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận đang quan tâm là dòng chảy tín dụng sẽ về đâu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực từ đà suy giảm của kinh tế toàn cầu?

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngân hàng mở rộng cho vay

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc nới chỉ tiêu tín dụng cả năm thêm 1,5-2% sẽ đáp ứng nhu cầu vốn, nhu cầu chi trả của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm. Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, tác động của tình hình thế giới đối với Việt Nam đã dịu bớt, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có dấu hiệu rất tích cực. Do đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách phân bổ hạn mức cho từng ngân hàng. Những đơn vị nào thanh khoản tốt, đang giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động ổn định ở mức thấp, sẽ được ưu tiên hạn mức cao hơn những đơn vị không đáp ứng được các tiêu chí trên. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là bên cạnh có thêm hạn mức, các ngân hàng thương mại phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dòng vốn tín dụng đi đúng hướng, sẵn sàng tạo điều kiện về vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại.

Việc Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết, ngay khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng giải ngân nguồn vốn vay theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Với nguồn vốn vay thêm, doanh nghiệp chi trả lương thưởng cuối năm, ứng trước tiền nguyên liệu để kịp cho những đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2023. Theo đại diện Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, công ty đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu mía cấp đông sang thị trường Mỹ. Dịp cuối năm 2022, thị trường tiêu thụ tăng 30%, vì thế nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng tăng theo. Việc nới hạn mức tín dụng ngân hàng thời điểm này đã hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng một cách nhanh nhất.

Tín dụng đang đi đúng hướng

Mặc dù có không ít lo ngại về nguy cơ dòng vốn sẽ chảy vào những lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản…, song trên thực tế, dòng chảy tín dụng đang đi đúng hướng. Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 10 tháng năm 2022, các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Ví dụ, tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế. Vốn cho công nghiệp hỗ trợ tăng gần 13%, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 6,88%. Hơn nữa, trong lần nới hạn mức tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra nguyên tắc là các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt, lãi suất thấp sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải nắn dòng vốn phù hợp theo định hướng chung.

Bà Trần Thị Khánh Hiền (Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect) nhận định, sau khi nới tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào ảm đạm, giao dịch trên thị trường bất động sản suy giảm, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản đang dần cạn kiệt, ngân hàng chỉ nên kiểm soát chặt chẽ đối với một số phân khúc “nóng” và tính đầu cơ cao. Những doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính tốt, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường vẫn là những đối tượng cần được hỗ trợ trong giai đoạn này. Với việc nới hạn mức tín dụng, hệ thống tài chính chung sẽ giảm bớt áp lực, do đó lợi ích sẽ san sẻ đều cho nhiều bên.

Là ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,7%, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn thông tin, nguồn vốn được tăng thêm sẽ tiếp tục dành cho sản xuất, kinh doanh. Cuối năm thường là cao điểm sản xuất, kinh doanh nên việc nới hạn mức tín dụng sẽ tiếp tục tạo đà cho phục hồi kinh tế. Ngân hàng sẽ tiếp tục cân đối vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản khi cho vay. Tiêu chí của ngân hàng thời điểm này là mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng là điều cần thiết đối với các ngân hàng có khả năng thanh khoản cao và bảo đảm các tỷ lệ an toàn vốn. Với việc tăng 1,5-2% tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế, lượng vốn tăng thêm vào khoảng 200.000 tỷ đồng. Song chỉ các ngân hàng thương mại có thanh khoản cao mới được tăng hạn mức nên mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay sẽ không bị đẩy lên quá cao. Nhìn chung, ngân hàng nào được nới hạn mức tín dụng sẽ phải kiểm soát doanh nghiệp vay vốn để bảo đảm vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy tín dụng sẽ về đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.