(HNMCT) - Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lại có nguy cơ bị hoãn, hủy khiến các nghệ sĩ vô cùng lo lắng.
Họ vừa hoạt động trở lại ít lâu, đang dồn tâm huyết, sức lực, tiền của để đưa những “đứa con tinh thần” đến với khán giả nhưng giờ thì không ai dám chắc mình sẽ thành công. Khó khăn vẫn đang rình rập và giới nghệ sĩ mong đợi sự sẻ chia, cảm thông từ phía khán giả.
Ròm và nỗi buồn hoãn chiếu
Dự kiến ra mắt vào ngày 31-7 nhưng đến ngày 27-7, nhà phát hành bộ phim Ròm đã thông báo hoãn chiếu vô thời hạn do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ròm từng gây ấn tượng với công chúng khi là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên giành giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan, một trong những liên hoan phim lớn nhất châu á. Lúc đó, mọi người mới để ý kỹ hơn về hành trình dài đầy thách thức của bộ phim này.
Ròm được thực hiện dựa trên ý tưởng về số phận chênh vênh của những đứa trẻ đường phố làm nghề “cò đề”. ý tưởng này được đạo diễn Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ khi thực hiện phim ngắn mang tên 16:30 - tác phẩm từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, được trình chiếu tại Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013. Tuy nhiên, để phát triển 16:30 thành phim điện ảnh Ròm, Trần Thanh Huy và ê kíp của mình đã phải mất 8 năm để thực hiện.
Trong clip hậu trường về hành trình 8 năm đó, khán giả có thể thấy sự vất vả, có cả mồ hôi và nước mắt trên phim trường. Có thời điểm đoàn phim rơi vào bế tắc, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của từng thành viên. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ dừng lại bởi những khó khăn vất vả mà vẫn bước tiếp cùng nhau. Chính vì vậy, với họ, việc Ròm được ra mắt khán giả trong nước là hết sức quan trọng. Đạo diễn Trần Thanh Huy từng chia sẻ: “Tôi đã trải qua một chặng đường dài giàu cảm xúc với Ròm, từ điểm đáy đến đỉnh cao châu Á. Nhưng cảm giác nôn nao chờ đợi thời điểm khán giả quê nhà đón nhận bộ phim vẫn rất khác, bởi đây là tác phẩm được xây dựng dựa trên những gì gần gũi và quen thuộc nhất với người dân Việt Nam”. Thế nhưng, đến khi chuẩn bị “hái trái ngọt” như mong mỏi thì lại vướng dịch Covid-19. Đó là nỗi buồn không chỉ với ê kíp sáng tạo, mà còn cả với khán giả.
Ròm chỉ là một ví dụ cho thấy sự “tê liệt” của điện ảnh Việt trong suốt nửa năm qua, và có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài do dịch Covid-19 mà Hànộimới Cuối tuần đã phản ánh trong thời gian gần đây. Nhiều bộ phim ra rạp đã phải chịu cảnh thua lỗ, số khác phải “nằm kho” và nhiều dự án đã phải dừng lại.
Mong sự chia sẻ từ khán giả
Cuối tuần qua, hàng loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật ở Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung đã bị hoãn, hủy và các nghệ sĩ đang rất lo lắng cho “số phận” của những đêm diễn đã được lên lịch tại Hà Nội. Khi chuẩn bị thực hiện liveshow Mùa thu cho em của ca sĩ Quang Dũng (dự kiến diễn ra vào tối 8-8 tại Nhà hát Galaxy 87 Láng Hạ), đạo diễn Vạn Nguyễn cảm thấy “như ngồi trên đống lửa” bởi không biết số phận đêm diễn sẽ ra sao. Anh chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: “Công tác chuẩn bị đã xong, vé đã bán hết. Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nếu phải hủy diễn để bảo đảm yêu cầu phòng dịch, cũng như chấp nhận những thiệt hại rất lớn về kinh tế, nhưng thương nhất là các nghệ sĩ và khán giả. Ca sĩ Quang Dũng đã dồn tâm huyết cho đêm diễn này. Có những khán giả từ thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vé bay ra Hà Nội”. Hiện chương trình đã chính thức bị hoãn.
Đạo diễn này cho biết anh và ê kíp cũng đang chuẩn bị cho đêm nhạc đặc biệt là Trịnh Ca 4 vào tháng 9 tới, nhưng rất có thể chương trình sẽ phải hoãn lại dù vé đã bán được gần hết.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người thầy của Trần Thanh Huy từng chia sẻ cảm nhận khi chứng kiến hành trình của cậu học trò với Ròm: “Điện ảnh là tiền bạc, là thời gian, là sức lực. Sự say mê phải đến độ điên khùng thì mới có thể vượt qua khó khăn trước mắt và thực hiện bộ phim một cách hoàn hảo. Theo tôi, để đi trọn hành trình phát triển phim ngắn 16:30 thành phim điện ảnh Ròm thì như các bạn trẻ thường nói, họ đã phải bỏ vào đó một thời thanh xuân”.
Nhận xét nói trên dành riêng cho những người thực hiện bộ phim Ròm, nhưng cũng nói lên nỗi vất vả, gian nan mà người làm nghệ thuật nói chung, nhất là những nghệ sĩ hoạt động tự do phải chịu đựng ở thời điểm này. Và trong bối cảnh đó, như đạo diễn Vạn Nguyễn chia sẻ, anh sẵn sàng chịu tổn thất về kinh tế, chỉ mong khán giả chia sẻ, đồng cảm với cái khó của các đơn vị sản xuất, nghệ sĩ và luôn đồng hành cùng họ trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.