(HNM) - 8 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thu tháng 8 đã giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cả năm 2021, từ nay đến cuối năm ngành Hải quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 năm 2021, thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan đạt 27.173 tỷ đồng, giảm 14,35% so với tháng 7-2021. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan là 258.773 tỷ đồng, đạt 82,15% dự toán, đạt 78,17% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải cụ thể các con số này, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng cho biết, số thu tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế trong các tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế trong 8 tháng năm 2021 tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8-2021 đã giảm đáng kể. Chỉ tính riêng so với tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8-2021 giảm 5,8%. Điều này đã kéo thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 8 cũng giảm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng, năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 315.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu 331.000 tỷ đồng. Mặc dù thu ngân sách nhà nước 8 tháng qua tăng mạnh, song Tổng cục Hải quan nhận định từ nay đến cuối năm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, rủi ro cao.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế; đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng thương mại, triển khai mở rộng chương trình phối hợp thu, chương trình doanh nghiệp nhờ thu...
Ngoài ra, là tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại... Việc kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá... cũng được chú trọng.
Đối với Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, Cục Hải quan Hà Nội thường xuyên giữ mối liên hệ với doanh nghiệp cả trong và sau thời gian giãn cách để nắm bắt, giải quyết kịp thời vướng mắc để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục tăng cường các biện pháp kiểm soát, rà soát để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, các chi cục tập trung, rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, nợ chờ miễn, giảm, xóa, đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp thu, xử lý nợ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.