Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ, khép kín

Bảo Chân| 12/08/2010 07:22

(HNM) - Hà Nội có số dân đông, người trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thị trường lao động Hà Nội còn mang nặng tính tự phát, cơ cấu lao động còn nhiều bất cập, thừa lao động đơn giản, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Hà Nội vẫn còn 60% lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Khảo sát tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, hầu hết tại các phiên giao dịch mặc dù lượng ứng viên tham gia khá đông nhưng các nhà tuyển dụng chỉ tuyển được chừng 25% nhu cầu. Vì quá thiếu nhân lực, nhiều doanh nghiệp đành phải "cố" tuyển cho dù không hợp với công việc cũng như trình độ, dẫn tới số lao động này làm việc không hiệu quả và không ổn định.

Theo đánh giá của Sở LĐ,TB&XH thành phố Hà Nội, dân số và lao động của Hà Nội tuy lớn song sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động khá rõ nét. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có dân số hơn 6,4 triệu người, số người trong độ tuổi lao động là 4,3 triệu. Tuy nhiên, theo khảo sát, lượng lao động đã qua đào tạo giảm so với trước, chỉ còn 31,2%. Bên cạnh đó, tốc độ dịch chuyển cơ cấu lao động dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp còn chậm, cơ cấu lao động một số ngành còn bất hợp lý, năng suất lao động còn thấp như trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề... Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã rất nỗ lực triển khai nhiều chương trình, giải pháp như: xã hội hóa công tác dạy nghề; tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy và học nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; xây dựng, đổi mới giáo trình, chương trình giảng dạy nghề; xây dựng và vận hành quỹ hỗ trợ ổn định đời sống lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất với nguồn vốn ban đầu là 50 tỷ đồng nhằm tập trung nguồn lực dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng theo dự báo của Sở LĐ,TB&XH, năm 2011 Hà Nội có khoảng 4,338 triệu người trong độ tuổi lao động và đến năm 2015 sẽ là 4,667 triệu người, bình quân tăng hằng năm khoảng 90.000 người. Với mức tăng như vậy, mỗi năm thành phố có khoảng 180.000-200.000 lao động chưa có việc làm, đồng thời, cầu lao động hằng năm dao động khoảng 175.000-280.000 người. Có thể thấy trong 5 năm tới, áp lực việc làm của Hà Nội là rất lớn. Mới đây UBND thành phố đã phê duyệt chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 với nội dung ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động, bảo đảm phát triển thị trường lao động khách quan, lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Chương trình đặt ra mục tiêu mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo nghề bảo đảm hợp lý về cơ cấu, ngành nghề và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Với mục đích phát triển thị trường lao động Hà Nội theo hướng mở, một loạt biện pháp kích cầu lao động đã được đưa ra. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ nhanh chóng được sắp xếp lại theo hướng cổ phần hóa, tập trung đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa thiết bị công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển và thu hút lao động. Đồng thời, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ, khôi phục và phát triển các làng nghề, phố nghề. Thành phố sẽ chú trọng phát triển mạnh quan hệ kinh tế với nước ngoài bằng nhiều hình thức để tạo nguồn xuất khẩu lao động tại chỗ, tăng đầu tư khai thác, mở rộng xuất khẩu lao động sang các khu vực, thị trường truyền thống phù hợp với đặc điểm lao động Hà Nội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan... và một số thị trường mới tiềm năng. Trong 5 năm, toàn thành phố phấn đấu tạo việc làm cho 705.000 người, trong đó năm 2010 là 137.000 người.

Có thể nói, với 250 cơ sở dạy nghề trên toàn thành phố, với đa dạng sở hữu và cấp độ đào tạo, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 95%, tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 70%, nhiều trường dạy nghề đạt 100% số học sinh ra trường có việc làm… là những điều kiện thuận lợi để thành phố tạo lập một thị trường lao động bền vững. Hy vọng với những giải pháp cụ thể, thời gian tới thị trường lao động Hà Nội sẽ từng bước phát triển theo hướng mở và đồng bộ với quy trình khép kín: Đào tạo nhân lực - thu hút đầu tư và các chiến lược thông tin, giải quyết việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ, khép kín

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.