Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ giải pháp, tập trung nguồn lực

Sơn Tùng| 14/09/2012 07:07

(HNM) - Là huyện thuần nông, hạ tầng xuống cấp, thu nhập bình quân của người dân thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó khăn... vì vậy, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Mỹ Đức xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực như đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức, sau một năm thực hiện đề án, xã Phùng Xá đã đạt được 13/19 tiêu chí; 3 tiêu chí gần đạt và 3 tiêu chí chưa đạt. Phùng Xá đã triển khai thực hiện 29 dự án đầu tư xây dựng NTM với tổng số vốn 142,534 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 80,523 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân hơn 62 tỷ đồng. Tuy vậy, việc xây dựng hạ tầng ở Phùng Xá vẫn còn xa mới đến đích. Tính đến nay, 65% tổng chiều dài đường giao thông liên xã chưa được bê tông hóa; 50% đường trục chính nội đồng chưa được cải tạo, nâng cấp; 43% kênh mương tưới tiêu chưa được kiên cố hóa… Trong số 6 tiêu chí gần đạt và chưa đạt chuẩn NTM, có tới 5 tiêu chí thuộc cơ sở hạ tầng như thủy lợi, chợ nông thôn, trường học, giao thông và cơ sở văn hóa. Vì vậy, xã Phùng Xá khó có thể hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2012 như dự kiến.

Xã điểm đã khó như vậy, các xã khác còn khó khăn hơn bởi đa phần đều thuần nông, kinh tế khó khăn nên không có nhiều nguồn lực cho xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Cành cho biết, trong các tiêu chí xây dựng NTM, thu nhập là tiêu chí khó đạt nhất của huyện Mỹ Đức. Ngoài xã điểm Phùng Xá là xã nghề, đến nay thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm, còn lại các xã khác đều thuần nông nên hết sức khó khăn.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, huyện Mỹ Đức chỉ đạo tập trung tạo quỹ đất cho xây dựng NTM và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống cho nhân dân. Với tổng diện tích đất nông nghiệp là 9.406,54ha, trong đó diện tích có khả năng dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là 8.325,49ha, thời gian qua, huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương dồn đổi ruộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa cơ giới vào sản xuất, hình thành những vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Ông Chu Đức Trí, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thanh cho biết: "Thực hiện DĐĐT, xã đã quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 85ha. Các hộ nông dân còn tự nguyện đóng góp xây dựng đường giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi được 22,9ha".

Song hành với công tác DĐĐT, huyện Mỹ Đức đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các dự án phát triển nông nghiệp như: xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 50-60ha ở các xã Đồng Tâm, Phúc Lâm, Mỹ Thành… và khu giết mổ tập trung 3-5ha ở xã Tuy Lai, Phúc Lâm, Hương Sơn và thị trấn Đại Nghĩa để phát triển chăn nuôi đồng bộ. Trên cơ sở các khu nuôi trồng thủy sản hiện có, huyện sẽ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển thủy sản thành 3 vùng tập trung. Vùng 1 ở các xã An Phú, Hợp Thanh với diện tích 231,5ha; vùng 2 ở các xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Mỹ Thành, An Mỹ với diện tích 350ha và vùng 3 ở thị trấn Đại Nghĩa, Phù Lưu Tế, An Tiến diện tích 85ha. Đối với vùng sản xuất lúa, huyện Mỹ Đức sẽ thay dần giống lúa Khang dân bằng các giống lúa như Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, Nhị ưu 838… nhằm nâng cao chất lượng gạo, nâng cao giá trị đất canh tác; đồng thời thực hiện cơ giới hóa về tưới tiêu, làm đất, thu hoạch và từng bước đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị/1ha canh tác đạt 75 triệu đồng/năm. Đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới thành công, từng bước nâng cao đời sống nông dân.

Tính đến nay, tổng số hộ đã DĐĐT đạt 24.563 hộ, đạt 79,3%. Trong đó hộ nhận 1 ô có 4.454 hộ với diện tích gần 1.000ha; hộ nhận 2-3 ô là 20.109 hộ, diện tích gần 5.000ha. Năm 2012, huyện Mỹ Đức tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác DĐĐT lần 2 để mỗi hộ chỉ còn 1 ô thửa, phấn đấu DĐĐT 1.467,2ha tập trung ở các xã Mỹ Thành, Hợp Thanh, Đại Hưng, Lê Thanh. Năm 2013 sẽ DĐĐT 930,67ha còn lại. Xã Hợp Thanh là một trong những xã đi đầu trong công tác DĐĐT. Từ chỗ mỗi hộ dân có từ 7 đến 14 mảnh ruộng trước đây, đến nay chỉ còn 1-3 thửa ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ giải pháp, tập trung nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.