(HNM) - Trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.400 tấn chất thải sinh hoạt các loại và con số này vẫn không ngừng tăng qua từng năm. Mặc dù các cấp, ngành liên quan của thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, với nhiều giải pháp quyết liệt, song việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn vẫn bộc lộ một số bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Một trong những bất cập đó là vẫn còn khoảng 12% chất thải sinh hoạt ở ngoại thành chưa được thu gom. Đó là con số trên báo cáo, còn thực tế tình trạng rác sinh hoạt tồn đọng nhiều ngày, nhất là ở khu vực giáp ranh giữa các xã, giữa các huyện, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận đã xảy ra nhiều trong thời gian qua.
Ngoài nguyên nhân ý thức người dân chưa cao, còn việc vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do giữa chính quyền địa phương (với vai trò chủ đầu tư) và đơn vị trúng thầu thu gom không thống nhất được định mức, khối lượng rác cần xử lý. Thường thì lượng rác thải, phạm vi thu gom rác lớn hơn nhiều so với hợp đồng nên đơn vị thu gom giảm tần suất, địa bàn duy trì vệ sinh…
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc một số đơn vị môi trường chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực; công nghệ và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải lạc hậu dẫn đến năng suất chưa cao, chi phí sản xuất lớn. Cùng với đó, hạ tầng khu vực ngoại thành còn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp cũng khó áp dụng phương tiện hiện đại vào thu gom rác…
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 của UBND thành phố triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đặt mục tiêu bảo đảm 100% rác thải ở đô thị và nông thôn được thu gom trong ngày. Mới đây, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phải sớm hoàn thành mục tiêu này - bởi đây vừa là yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, vừa là cơ sở quan trọng tạo nên hình ảnh "xanh, sạch, đẹp" của Thủ đô.
Như vậy, để thực hiện nhiệm vụ, các cấp, ngành chức năng sẽ phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt cũng như lâu dài, với nhiều yêu cầu cao hơn.
Về giải pháp trước mắt, các huyện - với tư cách là chủ đầu tư đấu thầu thu gom rác phải chủ động hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp với đặc điểm của địa phương; bảo đảm mỗi xã có tối thiểu từ 1 đến 2 điểm tập kết, trung chuyển rác thải. Với các đơn vị trúng thầu thu gom rác, là việc đầu tư nâng cao năng lực, cơ giới hóa quy trình sản xuất để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đặc biệt, không để tái diễn tình trạng xuất hiện những bãi rác khổng lồ - như đã từng xảy ra thời gian qua trên địa bàn giáp ranh của các xã, huyện - mà không được thu gom xử lý triệt để trong ngày, chính quyền các địa phương cùng cơ quan quản lý chuyên ngành phải rà soát, tính toán lại định mức, khối lượng thu gom rác sát thực tế; bảo đảm rác thải phải được thu gom đến tận thôn, xóm chứ không chỉ ở trên các trục chính.
Với các quận nội thành, tuy chi còn tỷ lệ nhỏ chưa thu gom trong ngày, song vẫn cần tập trung quyết liệt hơn để bảo đảm phố phường luôn sạch đẹp, và gắn liền với đó là những nét đẹp mới trong thực hiện vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định...
Về lâu dài, là chú trọng triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn thành phố việc phân loại rác tại nguồn để áp dụng các phương thức thu gom phù hợp với công nghệ xử lý hiện đại đang được thành phố đầu tư, tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển chôn lấp...
Việc thu gom 100% lượng rác thải phát sinh hằng ngày, nhất là đối với khu vực ngoại thành là nhiệm vụ không đơn giản, song với quyết tâm, với sự vào cuộc thực sự của các cấp, ngành thì mục tiêu này có thể đạt được sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.