Ngày 21-7, trong chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra thi công, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu.
* Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188,2km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe. Dự án được khởi công ngày 17-6-2023; dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập do các tỉnh, thành phố có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra tiến độ thi công Gói thầu số 42, dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh An Giang do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Vật tư thiết bị xây dựng công trình 624 thi công.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đại diện các nhà thầu cho biết, Gói thầu số 42 dài 16,926km; dự kiến hoàn thành vào ngày 30-6-2026. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các nhà thầu huy động 116 đầu xe máy các loại; tổ chức 19 mũi thi công; nguồn vật liệu phục vụ dự án được đảm bảo. Dự kiến, dự án hoàn thành đắp, gia tải ngày 30-10-2025; triển khai thi công lớp cấp phối đá dăm bắt đầu từ 1-10-2025; thi công thảm thử vào tháng 11-2025; thảm bê tông nhựa đại trà vào tháng 12-2025; vừa thi công dỡ tải, vừa thi công kết cấu mặt đường và hoàn thành trong năm 2026.
Kiểm tra thực địa thi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tỉnh An Giang đã vào cuộc quyết liệt giải phóng mặt bằng, đến nay, không còn khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng. Các đơn vị nhà thầu triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm xuyên ngày nghỉ, lễ”.
Yêu cầu rà soát, xây dựng lại đường găng tiến độ với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tăng tốc để ngày 19-12-2025 cơ bản thông xe kỹ thuật gói thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác sớm sẽ tạo không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất tăng lên.
Thủ tướng đề nghị địa phương tăng cường động viên công nhân trên công trường. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Vật tư thiết bị xây dựng công trình 624 huy động thêm nhà thầu ở địa phương tham gia thi công. Quân khu 9, Công an, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... tích cực vào cuộc hỗ trợ nhà thầu hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đảm bảo các yêu cầu kỹ, mỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
* Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 dài 27,43km, gồm 2 dự án thành phần; tổng mức đầu tư 7.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe chiều rộng 17m, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe cao tốc.
Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 16km, vốn 3.640 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 6-2023, kế hoạch hoàn thành năm 2026. Dự án thành phần 2 dài hơn 11km, vốn 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang (cũ) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 12-8-2024, kế hoạch hoàn thành năm 2027.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có 5 lần trực tiếp kiểm tra và nhiều lần họp chỉ đạo các địa phương quyết liệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Trên công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành, thông tuyến dự án thành phần 1 dự án Cao Lãnh - An Hữu vào ngày 19-12-2025 và dự án thành phần 2 vào 30-4-2026. Đồng thời, cần đầu tư hoàn chỉnh luôn 4 làn xe cao tốc, chứ không chỉ 4 làn hạn chế như hiện nay.
Về nguồn vốn để phục vụ khối lượng công việc do dự án hoàn thành trước kế hoạch, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền để bố trí cho dự án; đồng thời, các cơ quan liên quan không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có mỏ đá trong khu vực (như An Giang) điều chỉnh quy mô khai thác, ưu tiên nguồn vật liệu cung ứng đủ cho dự án; các nhà thầu tăng cường nhân công, máy móc thiết bị, làm “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.