(HNM) - Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ cuối năm 2019 đến tháng 3-2020, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào sâu hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của khoảng 50.000 hộ dân trong vùng. Dự báo trên cho thấy, khu vực này đã, đang và sẽ phải đối mặt cả úng ngập lẫn hạn, mặn...
Xâm nhập mặn sẽ đến sớm
Theo Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN&PTNT), xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn 4 độ phần trăm xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có địa hình thấp từ 0,8 đến 1,2m so với mực nước biển. Trong khi đó, dao động thủy triều lớn ở Biển Đông từ -2,1m đến 1,7m và ở Biển Tây là -0,4m đến 1m, bao trùm hơn 600km bờ biển phía Nam nước ta. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2050, mực nước biển trung bình có thể tăng lên 0,3m. Như vậy mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xâm nhập sâu vào trong nội vùng. Riêng mùa khô 2019-2020, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm hơn thường lệ trong nhiều năm.
Cụ thể, theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, khả năng xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019 thay vì tháng 3, tháng 4 năm sau, với mức độ khốc liệt. Tổng cục Khí tượng thủy văn phân tích rõ, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 đến 70% và tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35 đến 45% so với trung bình nhiều năm.
Còn theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ cuối năm 2019 gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tổng diện tích lúa đông xuân có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn là 101.749ha.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ tháng 11-2019 đến tháng 2-2020, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ còn chịu ảnh hưởng của 7 đợt triều cường, trong đó có những đợt đỉnh triều cao hơn báo động 3, gây ngập lụt nhiều nơi. Tuy nhiên, chính triều cường sẽ khiến xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và khốc liệt hơn ngay đầu mùa khô 2019-2020.
Ứng phó với hạn, mặn
Lường trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và nhận thức rõ những nguy cơ ảnh hưởng, ngay từ cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết nêu rõ: Cần thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy (chủ yếu là sản xuất lúa) sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Theo đó, các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng đã có nhiều biện pháp thực thi chỉ đạo này.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong điều kiện bình thường, diện tích lúa đông xuân hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu héc ta. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến chỉ còn khoảng 1,55 triệu héc ta, giảm 50.000ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra sớm như dự báo.
Cùng với đó, khung thời vụ được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10-2019. Cụ thể, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã xuống giống sớm, từ ngày 10 đến 30-10 với diện tích khoảng 400.000ha, tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000ha.
Ngoài việc xuống giống sớm vụ đông xuân để tranh thủ nguồn nước ngọt sẵn có và gia cố, nạo vét các kênh mương trữ nước ngọt, nhiều địa phương đã tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Cao Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương sẽ tập trung phát triển ngành hàng trái cây thành ngành hàng chiến lược, phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ nhóm cây chịu mặn trung bình (sơ ri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa) và nhóm cây chống chịu khá với mặn (mít, xoài, mãng cầu Xiêm, mãng cầu); nhóm cây chống chịu tốt với mặn (dừa, sapô, me) ở từng vùng thổ nhưỡng phù hợp.
Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, triển khai dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất; điều chỉnh bổ sung quy hoạch và nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi.
Về tổng thể, tính đến nay, theo số liệu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 450km đê biển, 1.290km đê sông và khoảng 7.000km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển.
Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến nguy cơ hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân 2019-2020, Thủ tướng yêu cầu các ban, ngành, địa phương chủ động hơn, cần tính toán diện tích lúa để chuyển sang các loại cây khác phù hợp, chuẩn bị kế hoạch rất cụ thể về khoa học - công nghệ để ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là giống, bảo đảm vụ đông xuân thắng lợi, đặc biệt là bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.