Nông thôn mới

Đông Anh tập trung nguồn lực lớn cho nông thôn mới

Nguyễn Mai 27/12/2023 - 09:48

Với rất nhiều cố gắng, năm 2023, huyện Đông Anh có thêm 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

vong-la.jpg
Một góc xã Võng La (huyện Đông Anh) - địa phương vừa được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 2023.

Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã hoàn thành đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2023. Kết quả, với rất nhiều cố gắng, địa phương đã có thêm 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, các xã đều huy động được nguồn lực đầu tư rất lớn từ sự chung sức của nhân dân và ngân sách các cấp, đặc biệt là ngân sách huyện.

Là một trong những xã vừa được Đoàn thẩm định của thành phố đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, Nguyên Khê đã huy động được nguồn lực rất lớn đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê Nguyễn Khắc Tuấn, tính từ năm 2011 đến nay, địa phương đã huy động được hơn 525 tỷ đồng, trong đó, nhiều nhất là ngân sách huyện, đầu tư hơn 406 tỷ đồng. Số vốn đầu tư lớn, giúp xã Nguyên Khê chuyển mình nhanh chóng.

Hiện tại, trên địa bàn xã, toàn bộ trục đường xã, liên xã đã được nhựa hóa, có hệ thống cây xanh, chiếu sáng; một số tuyến có biển báo, chỉ dẫn, gờ giảm tốc; xã có 4 trường học: 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Riêng Trường THCS Nguyên Khê đang đầu tư xây dựng để đạt chuẩn mức độ 2.

tien-duong.jpeg
Xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi thuận lợi, giúp người dân phát triển nghề trồng rau an toàn.

Không riêng Nguyên Khê, nét chung trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Đông Anh là các xã đều huy động được nguồn kinh phí thực hiện rất lớn. Tại xã Tiên Dương, tổng đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã từ năm 2011 đến nay lên tới hơn 1.580 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, xã huy động được hơn 147 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020, xã huy động được gần 500 tỷ đồng và từ năm 2021 đến nay, tiếp tục huy động được hơn 934 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Bá Huy, Trưởng thôn Dương Nỗ, xã Tiên Dương cho biết, từ một xã nông nghiệp nhiều khó khăn, khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, đến nay, Tiên Dương đã chuyển mình nhanh chóng, trở thành một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt.

Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận, diện mạo các làng quê ở Đông Anh thay đổi nhanh chóng, nông thôn đã tiệm cận đô thị.

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ Nguyễn Đình Long, xã có tuyến đường Hoàng Sa đi qua và cách Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 10km, nên giao thông rất thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội… Đó cũng là điều kiện tốt để xã phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ, tăng nguồn thu nhập cho kinh tế địa phương. Mặt khác, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Kim Nỗ còn nằm trong phân khu đô thị N4, nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang được đầu tư rất mạnh.

Xã Việt Hùng đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Năm 2023, xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ông Nguyễn Đình Hiểu, Bí thư Chi bộ thôn Đoài, xã Việt Hùng cho hay, thời gian gần đây, xã đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, như công viên, trường học, trạm y tế. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 5/5 trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhân dân thôn Đoài đồng tình, nhất trí rất cao với kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà địa phương đạt được.

Tương tự, xã Kim Chung cũng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 và tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện, xã có 5 trường học 3 cấp đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2.

dong-anh.jpeg
Hạ tầng phát triển giúp cuộc sống người dân huyện Đông Anh thuận lợi hơn.

Hạ tầng phát triển giúp người dân thuận lợi hơn trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. Xã Vân Hà có nghề mộc rất phát triển, hiện cả xã có 794 cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng, phân bổ ở cả 5 thôn. Ngành nghề phát triển đã mang lại tổng thu nhập toàn xã lên hơn 800 tỷ đồng/năm. Năm 2023, ước thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76 triệu đồng…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà thông tin, tính lũy kế từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn huyện đã huy động cho xây dựng nông thôn mới khoảng 5.935 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách huyện là 5.017 tỷ đồng.

“Nhờ nguồn vốn đầu tư lớn, đến nay, huyện đã có 5/23 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 20/23 xã nông thôn mới nâng cao. Với tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 6/9 tiêu chí. Huyện đang tăng tốc thực hiện hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ để sớm về đích trong thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận”, ông Nguyễn Tuấn Hà thông tin thêm.

Chia sẻ về kinh nghiệm huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, huyện đã tích hợp bộ tiêu chí huyện lên quân và bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao với 12 nhóm tiêu chí, 36 chỉ tiêu cụ thể, nên quá trình thực hiện không lãng phí nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, huyện coi trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới; quá trình thực hiện có sự kiểm tra sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, khi nhân dân thấy hiệu quả, sẽ có trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

z4830762296660_f8aab853d9dac21cb1aa8eb78f9c403f(1).jpg
Diện mạo nông thôn mới nâng cao ở xã Mai Lâm (huyện Đông Anh).

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện Đông Anh, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh, việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là ghi nhận kết quả đạt được đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã. Xây dựng nông thôn mới để người dân được hưởng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, dù các xã của huyện Đông Anh đang trên lộ trình trở thành phường, huyện thành quận nhưng vẫn triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình. Cũng nhờ tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua, các địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được rất đáng trân trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh tập trung nguồn lực lớn cho nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.