Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời tựa cuốn "Địa chí Đông Anh" đã viết: “Đông Anh một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn là “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam...”.
Ngày nay, Đông Anh đã và đang phát huy nguồn lực, trở thành điểm sáng của Thủ đô, thực hiện khát vọng trở thành thành phố phát triển phía Bắc sông Hồng.
Mạch nguồn văn hóa, lịch sử
Đông Anh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 413 di tích, 93 lễ hội cùng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo. Mạch nguồn văn hóa, lịch sử này là nguồn lực để Đông Anh vươn lên xây dựng huyện trong suốt chiều dài lịch sử đã qua.
Điển hình nhất là Khu di tích Cổ Loa - chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt - nơi gắn liền với truyền thuyết Thục Phán An Dương Vương. Tương truyền, từ thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán An Dương Vương thống nhất Âu Việt, Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, dời đô về Cổ Loa, Đông Anh hiện nay. Mảnh đất Cổ Loa tiếp tục lưu dấu ấn lịch sử khi mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), sau chiến thắng Bạch Đằng giang lịch sử, Ngô Quyền lên ngôi xưng vương, đóng đô tại Cổ Loa, xây dựng nhà nước tự chủ, chính thức kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam.
Cùng với Cổ Loa, Đông Anh còn có quần thể di tích đền Sái - đình Nhội (xã Thụy Lâm), đền thờ Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu. Đây là cụm di tích có liên quan mật thiết với Cổ Loa.
Truyền thống của mảnh đất anh hùng được tiếp nối suốt chiều dài lịch sử Thủ đô và đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đông Anh còn là An toàn khu cách mạng, với hệ thống di tích cách mạng an toàn khu của trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1941 - 1945). Đó là địa đạo Nam Hồng - một trong những địa đạo đầu tiên ở Việt Nam, nay là chứng tích lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Đông Anh nói riêng và cả nước nói chung. Địa đạo Nam Hồng có chiều dài hơn 10km với 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, hơn 8.000m thành lũy... tạo nên làng kháng chiến liên hoàn toàn xã và tạo thành pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả. Hiện tại, huyện Đông Anh đã xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi khu di tích địa đạo Nam Hồng. Đặc biệt, mảnh đất Đông Anh còn vinh dự được 6 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc.
Ngoài những di tích lịch sử đồ sộ, Đông Anh còn có nhiều lễ hội, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, như múa rối Đào Thục (xã Thụy Lâm); ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà); Lễ hội đền Sái (xã Thụy Lâm) với nghi lễ rước "vua, chúa sống" và nghi lễ chém tinh gà trắng vô cùng độc đáo - được đánh giá là lễ hội đặc sắc có một không hai ở Việt Nam...
Điểm tựa để vươn lên
Tiếp nối những truyền thống hào hùng xưa, Đông Anh đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế điểm tựa, “hằng số” lịch sử, văn hóa như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết về mảnh đất này.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, bằng nội lực, quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Đông Anh đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế... của mình. Đặc biệt, triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hà Nội năm 2011, Đông Anh đã triển khai những bước đi bài bản, hiệu quả. Năm 2016, Đông Anh kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập, huyện vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Đông Anh cũng vinh dự là một trong những huyện đầu tiên của thành phố được nhận Bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015". Từ năm 2016, Đông Anh bước vào giai đoạn xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và từ năm 2020 huyện bắt đầu xây dựng huyện thành quận.
Với bước đi bài bản, khoa học, huyện Đông Anh đã ban hành 15 đề án thành phần nhằm hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân...
Song song, Đông Anh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp ở nhiều lĩnh vực. Điển hình là các dự án giao thông, hạ tầng cơ sở, hạ tầng thương mại, dịch vụ. Đến nay, huyện đã hoàn thiện 15/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Bước đầu hoàn thiện việc đề xuất Thành ủy, UBND thành phố lập quy hoạch thành phố Bắc sông Hồng vùng 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điểm nổi bật nữa là Đông Anh đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, hoàn thành hồ sơ thành lập quận. Năm 2023, huyện có 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Hiện tại, Đông Anh đã hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí thành quận và các xã, thị trấn thành phường theo Nghị quyết số 26, 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một điểm đặc biệt của vùng đất này, đó là sự phát triển kinh tế luôn đi kèm bảo tồn văn hóa, lịch sử, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Trong những năm qua, Đông Anh đã triển khai đầu tư 474 dự án xây dựng với tổng kế hoạch vốn 996 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội với 284 dự án, tổng kế hoạch vốn là 8.616 tỷ đồng.
Sau khi “cán đích” huyện nông thôn mới nâng cao và hoàn thành tiêu chí quận, từ năm 2024, Đông Anh đề ra mục tiêu với khát vọng phát triển mới. Trong năm 2024, Đông Anh nỗ lực đẩy mạnh thu ngân sách phấn đấu đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và đầu tư phát triển; triển khai thực hiện 808 dự án đã được HĐND huyện thông qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đang phấn đấu thực hiện “3 được” (được việc, được con người, được tổ chức), nhằm đạt “2 mục tiêu quan trọng” (mang lại niềm vui cho nhân dân; tạo niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở)...
Đông Anh đặt mục tiêu xây dựng huyện thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô vào năm 2024, về đích trước một năm so với kế hoạch; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa vùng đô thị phía Bắc. Đến năm 2045, cơ bản hình thành thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); hình thành cực tăng trưởng mới, có chùm đô thị hiện đại, trung tâm tài chính, logistics...
Ví dụ tiêu biểu về sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Đông Anh là ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 250-NQ/HU ngày 14-2-2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “5 có, 3 không” (5 có: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh và 3 không: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo). Đến nay, huyện đã đạt các mục tiêu của “5 có”, đối với "3 không", huyện đã không còn hộ nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.