Văn hóa

Đông Anh - hằng số lịch sử, khát vọng vươn caoBài cuối: Tự tin hướng thẳng tới mục tiêu

Đỗ Minh 24/08/2024 09:00

Tiếp nối mạch nguồn của hào khí Thăng Long, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Anh luôn vững vàng ý chí vươn lên. Từ một huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn của Hà Nội, trong những năm qua, bằng khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ, Đông Anh đã vượt lên tốp đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tràn đầy khí thế, tự tin trở thành quận văn minh, giàu đẹp - thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng.

Khẳng định hiệu quả đổi mới, sáng tạo

Sáp nhập về Hà Nội từ năm 1961, huyện Đông Anh có diện tích hơn 18.000ha, trong đó một nửa là đất nông nghiệp. “8 năm trước, khi xây dựng nông thôn mới, Đông Anh là huyện ven đô với 23 xã, mức bình quân chỉ đạt 8/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Song, với cách đi bài bản, khoa học, có lộ trình, Đông Anh phát huy được thế mạnh. Đến năm 2016, Đông Anh vinh dự đón danh hiệu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới - một trong những huyện đạt nông thôn mới sớm nhất ở Hà Nội thời điểm đó”, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhớ lại.

huyen-5.jpg
Đông Anh đẩy mạnh phát triển hạ tầng có tính kết nối. Ảnh: Minh Đỗ

Năm 2016 cũng là năm kỷ niệm 140 năm thành lập huyện Đông Anh, huyện đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015". Từ nền tảng đó, Đông Anh bước vào giai đoạn xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện thành quận.

Khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và đồng hành của người dân, Đông Anh đã ban hành 15 đề án thành phần nhằm hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là Nghị quyết số 250-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh mang đậm dấu ấn đổi mới, sáng tạo về thực hiện “5 có, 3 không” ("5 có" gồm: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. "3 không" gồm: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo).

Thực hiện “3 không”, từ năm 2019 đến nay, huyện Đông Anh không còn hộ nghèo, trong khi các mục tiêu của “5 có” đều đã đạt. Nhờ đó, năm 2023, kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 9,4% - cao hơn mức tăng trưởng của Thủ đô và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hình thành, phát triển theo hướng đô thị sinh thái...

Bên cạnh đó, những năm qua, nhiều dự án lớn được Đông Anh quan tâm đầu tư. Những tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông khung được chỉ đạo quyết liệt. Huyện đã hoàn thiện 15/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; bước đầu hoàn thiện việc đề xuất Thành ủy, UBND thành phố lập quy hoạch Thành phố Bắc Sông Hồng vùng 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đến nay, Đông Anh đã đạt huyện nông thôn mới nâng cao - sớm hơn 2 năm so kế hoạch; hoàn thành tiêu chí thành quận; xã, thị trấn thành phường theo Nghị quyết 26, 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Huyện có 99,25% cử tri tán thành việc thành lập quận và các phường thuộc quận Đông Anh. Xác định rõ phát triển kinh tế luôn đi kèm bảo tồn văn hoá, lịch sử, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, trong năm qua, Đông Anh đã triển khai đầu tư 474 dự án xây dựng với tổng kế hoạch vốn 996 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội với 284 dự án, tổng kế hoạch vốn là 8.616 tỷ đồng.

Khát vọng vươn lên tầm cao mới

Với điểm tựa lịch sử hào khí Cổ Loa - Đông Anh luôn gắn với hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Đông Anh đang tiếp tục tiến bước với khát vọng phát triển lên tầm cao mới.

“Thực hiện khát vọng vươn lên, Đông Anh chọn việc trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng thời điểm để làm và làm quyết liệt trên tinh thần “3 trước” (đánh giá, nhận định trước; chuẩn bị trước; hành động trước)”, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên chia sẻ.

Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" chỉ rõ: “Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc gồm 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn”. Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã nêu: “Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa như: Không gian Hoàng thành Thăng Long kết nối Ba Đình hay không gian quần thể di tích Cổ Loa…”.

huyewn7.jpg
Đông Anh đang phấn đấu thực hiện “3 được” nhằm đạt “2 mục tiêu quan trọng”. Ảnh: Huyện Đông Anh

Trên cơ sở đó, Đông Anh đã đặt mục tiêu “Khát vọng thịnh vượng”. Bí thư Huyện ủy Lê Trung Kiên nêu rõ: Bằng nội lực và quyết tâm cao, Đông Anh đặt mục tiêu xây dựng huyện thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô vào năm 2024, về đích trước một năm so với kế hoạch. Đông Anh phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa vùng đô thị phía Bắc. Đến năm 2045, cơ bản hình thành thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); hình thành cực tăng trưởng mới, có chùm đô thị hiện đại, trung tâm tài chính, logistics...

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị Đông Anh bám sát chủ đề công tác năm của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” để triển khai thực hiện trên mọi mặt công tác.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, trong năm 2024, Đông Anh nỗ lực đẩy mạnh thu ngân sách đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và đầu tư phát triển; triển khai thực hiện 808 dự án đã được HĐND huyện thông qua. Hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Đông Anh đang phấn đấu thực hiện “3 được” (được việc, được con người, được tổ chức) nhằm đạt “2 mục tiêu quan trọng” (mang lại niềm vui cho nhân dân; tạo niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở).

Tin tưởng, từ “tài nguyên” lịch sử văn hóa địa phương cộng hưởng sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trên địa bàn, Đông Anh sẽ sớm trở thành quận văn minh, thịnh vượng, góp phần quan trọng trên lộ trình phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh - hằng số lịch sử, khát vọng vươn cao Bài cuối: Tự tin hướng thẳng tới mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.