(HNM) - Ngựa là con vật tượng trưng của các bộ lạc vùng thảo nguyên, góp phần hình thành nền văn hóa mang tính du mục.
Đua ngựa Bắc Hà, một nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Anh Tuấn |
Tổ tiên ngựa có mặt ngay từ khi động vật có vú xuất hiện trên Trái đất, với tên khoa học là Hyracotherium. Ngựa (Equus Caballus) là một phân loài động vật thuộc bộ guốc lẻ, một trong 8 phân loài còn sinh tồn cho tới ngày nay của họ Equidae. Ngựa đã trải qua quá trình tiến hóa từ 45 đến 55 triệu năm để từ một dạng sinh vật nhỏ như một con cáo với chân nhiều ngón trở thành dạng động vật lớn với chân một ngón và nặng cả tấn. Ngựa được thuần dưỡng đầu tiên ở vùng Trung Á, rồi đến Trung Quốc và một số nước khác ở Viễn Đông. Vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên (TCN), ngựa được dùng trong chiến trận, để đi săn và lấy sức kéo. Ngựa thông minh, có khả năng nhớ chủ cũ và nhớ đường rất tốt.
Ngựa cái giao phối với ngựa đực vào mùa xuân và ngựa con được sinh ra vào mùa đông năm sau, khi có nhiều cỏ tươi. Những trận đấu trước giao phối là "nghi thức" không thể thiếu của loài ngựa, quen sống trong đàn khoảng 200 con. Con đực thắng cuộc sẽ giành được quyền giao phối với đối tác, mà không chỉ với một mà cả "hậu cung" đông đảo từ 8 tới 9 con, bảo đảm khả năng di truyền của nó là cao nhất. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ phải không ngừng chiến đấu để ngăn chặn những con đực khác tìm cách "chiếm đoạt mỹ nữ" của nó. Ngựa cái mang thai khoảng 335-340 ngày và thường sinh một (rất hiếm khi sinh đôi). Ngựa con có thể đi lại chỉ sau khi sinh một giờ và chẳng bao lâu sau có thể theo kịp bước chân cả đàn. Ngựa bốn tuổi được coi là trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến khi 6 tuổi. Trung bình loài ngựa sống khoảng 25 đến 30 năm, có khi đến 62 năm. Ngựa cao có chiều cao từ 1,2m đến 1,75m. Ngựa lùn cao từ 1m đến 1,5m. Loài ngựa của Vương quốc Anh là giống cao nhất, từ 1,75m đến 1,9m, nặng hơn 1 tấn.
Ngựa hoang sống trên thảo nguyên, trong thời xa xưa vừa là đối tượng săn bắt của loài người, vừa là thức ăn của các loài thú dữ như hổ, báo, chó sói, sư tử… Chúng không giống như trâu rừng có thể dùng sừng để quyết đấu khi bị dồn đến bước đường cùng nên biện pháp đối phó duy nhất là bỏ chạy thoát thân. Đó là nguyên nhân khiến cả đêm lẫn ngày, chúng phải đứng ngủ, đồng thời luôn dùng đôi tai, chiếc mũi rất thính nhạy để đề cao cảnh giác. Tập tính, thói quen ngủ đứng của ngựa vẫn được "bảo tồn, phát huy" đến ngày nay.
Ở phương Đông, khoảng 2000 năm TCN, ngựa đã được dùng để kéo chiến xa. Vào khoảng 1000 năm TCN, được dùng sử dụng trong các trận chiến. Các hiệp sĩ Châu Âu rất ưa chiến đấu trên lưng ngựa đực, còn các kị binh Ả Rập lại thích dùng ngựa cái vì ngựa cái phi êm, không hay đòi ăn, thuận lợi cho phục kích kẻ địch vì chúng không hay hí. Khi phi nước kiệu, kiểu chạy nhanh nhất, ngựa có thể đạt tốc độ 60 km/h trong cự ly 150m. Không chỉ sử dụng trong di chuyển, chiến trận, nhiều nước ở Châu Âu còn thuần hóa ngựa để chở hàng và cày cấy.
Thịt ngựa là món khoái khẩu và bổ dưỡng của đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc; cao ngựa bạch rất có giá trị trong việc chữa bệnh xương khớp với người cao tuổi. Ngựa cũng có khả năng biểu diễn, có thể nhảy theo điệu nhạc, đi thăng bằng ở hai chân trước, khéo léo đi trên một quả cầu lớn… nên được huấn luyện để làm xiếc…
*Ngựa là con vật trung thành, là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ, sinh sôi, may mắn, tài lộc. Vì thế, có người đặt tượng ngựa ở tại những vị trí đẹp trong nhà với hy vọng Mã đáo thành công. *Người tuổi ngựa (Ngọ) vui tính nhưng hay ba hoa mồm mép (dân gian có câu: thẳng như ruột ngựa); bôn ba nhiều, cũng có tiếng tăm và dễ gây cảm tình, giỏi kinh doanh, giỏi đoán ý đồ của người khác để lựa lời ăn nói. Người tuổi ngựa có nhiều tài nhưng khó tính, cầu toàn trong công việc, coi tình cảm là thứ yếu; dễ bị lừa trong khi chinh phục bạn đời. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.