Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đòn bẩy'' từ thị trường du lịch Lào, Campuchia

Hoàng Lân| 23/12/2022 16:43

(HNMO) - Trong khi một số thị trường du lịch lớn chưa khai thác được như Trung Quốc, Nga thì một số thị trường gần là Lào, Campuchia lại có sự tăng trưởng trong hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động tương tác du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Lào, Campuchia đang được các đơn vị hàng không, vận chuyển, lữ hành khai thác mạnh.

Tin vui từ thị trường Campuchia

Theo Tổng cục Du lịch, trong 11 tháng năm 2022, lượng khách du lịch tăng cao ở tất cả châu lục. Châu Á đông nhất, chiếm 70,27%, trong đó, lượng khách từ Campuchia đứng thứ 3, sau thị trường khách đến từ Hàn Quốc, Mỹ. Chỉ trong tháng 8, khách Campuchia đến Việt Nam tăng tới 205% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Đến tháng 11-2022, lượng khách Campuchia đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với 172 nghìn lượt. 

Du lịch Campuchia được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn trong nhiều năm nay.

Theo các đơn vị lữ hành, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid-19, khách Campuchia đến Việt Nam đông chủ yếu là chữa bệnh, thăm thân và một phần là du lịch tự túc. Hiện khách đi theo tour từ các đơn vị lữ hành chưa nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai dòng sản phẩm du lịch chữa bệnh để không bỏ phí nguồn khách lớn từ Campuchia đến Việt Nam.

Một trong những tin vui đến từ thị trường Campuchia là này 22-12 vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Campuchia chính thức khai thác đường bay thương mại chở khách giữa Siem Reap và Hà Nội với tần suất ban đầu 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ ba, năm, bảy. Tiếp nối việc khai thác mạnh mẽ trở lại các đường bay giữa Việt Nam - Campuchia như thành phố Hồ Chí Minh - Phnom Penh/Siem Reap/Sihanouk Ville; Hà Nội - Phnom Penh; Đà Nẵng - Siem Reap, việc khai thác đường bay thẳng Siem Reap - Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu đi lại, du lịch giữa Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là việc thu hút thị trường khách này đến Hà Nội.

Theo đánh giá của Giám đốc Công ty lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, với chưa đầy 2 giờ bay là điều kiện rất thuận tiện cho du khách Campuchia đến Hà Nội để tham quan trải nghiệm và ngược lại. Việc này dự báo, thị trường khách Campuchia đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tăng nhanh trong thời gian tới.

Du lịch Lào được chờ đợi

Mặc dù không phải là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, lượng khách chưa nhiều nhưng thị trường du lịch Lào cũng đang được nhiều đơn vị lữ hành khai thác, tổ chức các hoạt động xúc tiến để kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá trong việc xây dựng sản phẩm, thu hút du khách. 

Nhiều đơn vị lữ hành đã triển khai dòng sản phẩm caravan đi Lào.

Theo Tổng cục Du lịch, những năm qua, hai nước đã tích cực tham gia và thúc đẩy hợp tác du lịch đa phương, chủ yếu qua các khuôn khổ: “Ba quốc gia một điểm đến”, “Tam giác phát triển” (Việt Nam - Lào - Campuchia), “Bốn quốc gia một điểm đến” (Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar), “Hành lang Đông Tây”… Năm 2019, hoạt động trao đổi khách của hai nước đã đạt trên 1,2 triệu lượt. Lào thường nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 3 của Lào. 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 18.600 lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt hơn 49.000 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2, sau Thái Lan.

Sau khi hai nước Việt Nam và Lào mở cửa du lịch trở lại khi đã kiểm soát được dịch Covid-19, hoạt động du lịch giữa hai nước được nối lại với nhiều hoạt động xúc tiến. Nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối khai thác tour và xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt cho biết, đã kết nối và khai thác được gần 2.000 khách từ thị trường Lào sang Việt Nam du lịch, trong đó, miền Trung là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất của khách Lào do thuận tiện về giao thông, di chuyển. 

Ở chiều ngược lại, khách Việt Nam sang Lào cũng đang có chiều hướng tăng dần. Theo Trưởng phòng Truyền thông của Công ty du lịch Flamigo Redtours Vũ Bích Huệ, sản phẩm du lịch Lào thường kéo dài 5 đến 8 ngày, tùy vào phương tiện di chuyển. Thường khách Việt hay chọn di chuyển bằng đường bộ để khám phá cảnh quan, văn hóa Lào trọn vẹn hơn. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này có 1-2 đoàn khách Việt Nam đi du lịch Lào. Bên cạnh các tour truyền thống, nhiều đơn vị cũng xây dựng thêm dòng sản phẩm caravan (tự lái xe) từ Việt Nam sang Lào.

Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, năm nay hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa hai nước đang được đẩy mạnh. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, vào tháng 8-2022, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, với chủ đề "Hà Nội - Viêng Chăn: Hợp tác cùng phát triển". Hai bên đã có nhiều thỏa thuận, trong đó cam kết sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch hiệu quả để tăng lượng khách hai chiều. 

Đánh giá tiềm năng du lịch từ thị trường Lào, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, Việt Nam và Lào chung đường biên giới đất liền với hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của hơn 20 tỉnh, thành phố của mỗi bên, nếu khai thác tốt du lịch vùng biên, Lào có thể trở thành một trong những thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á của Việt Nam, góp phần làm gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đòn bẩy'' từ thị trường du lịch Lào, Campuchia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.