(HNM) - 700 nghìn người Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong hai năm tới, kéo theo sự sụt giảm 0,5% tăng trưởng GDP của nước Mỹ trong năm 2011, nếu đề xuất cắt giảm khoảng 60 tỷ USD ngân sách chính phủ so với mức năm 2010 của Hạ viện trở thành hiện thực.
Đây là câu chuyện thời sự của các nhà lãnh đạo xứ Cờ hoa trong những ngày qua. Tác động của thời hậu suy thoái chưa chấm dứt, làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ "thông quan" các hiệp định thương mại (FTA) vốn bị ngưng trệ lâu nay tại Quốc hội, trong đó có FTA với Hàn Quốc được Chính phủ Mỹ nhìn nhận như một chiếc chìa khóa giúp khai thông thế bế tắc hiện nay của nền kinh tế số 1 thế giới.
FTA Mỹ - Hàn sớm được thông qua sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai nước, tạo thêm nhiều việc làm. |
Là FTA lớn nhất của Mỹ kể từ sau khi nước này ký Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mexico năm 1994, việc Quốc hội nước này sớm thông qua FTA với Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng với Chính phủ của Tổng thống Barack Obama. Khi chính thức có hiệu lực, FTA sẽ không chỉ là động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Hàn mà còn đáp ứng được lợi ích thiết thực của chính lao động cũng như các tập đoàn Mỹ, khi ít nhất 70.000 việc làm mới dự kiến được tạo ra thông qua xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc cũng sẽ tăng thêm 11 tỷ USD. Được ví như đòn bẩy thúc đẩy thương mại xuyên Thái Bình Dương, FTA Mỹ - Hàn được thực hiện sẽ góp phần củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước và quan trọng hơn là "làm mới" vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.
Hoan nghênh thỏa thuận quan trọng này, Tổng thống Lee Myung-Bak mới đây tiếp tục tuyên bố FTA Hàn - Mỹ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước - vốn đang theo đuổi ký kết FTA với các đối tác. Với Seoul, việc thông qua FTA nằm trong chiến lược thúc đẩy kinh tế đất nước vốn lâu nay bị cái bóng quá lớn của Nhật Bản cũng như Trung Quốc che phủ. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Jong-hoon cho rằng, FTA Hàn - Mỹ sẽ có lợi cho cả đôi bên khi nó thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 6% và tạo thêm 340.000 công việc. Vì thế, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, Thương mại và Thống nhất của Quốc hội Hàn Quốc Nam Kyung-pil ngày 9-3 vừa qua cam kết sẽ phê chuẩn FTA với Mỹ tại kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 4 tới.
Con đường tiến tới FTA giữa Mỹ và Hàn Quốc không hề bằng phẳng. Hai nước đã ký FTA từ ngày 30-6-2007 nhưng việc phê chuẩn văn kiện này đã bị trì hoãn do những bất đồng liên quan tới xuất khẩu ô tô của hai nước cũng như việc Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm thịt bò của Mỹ. Cùng với làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nước, đến ngày 3-12-2010 hai bên mới đạt được thỏa thuận về những tranh cãi cuối cùng để khép lại thế bế tắc kéo dài suốt ba năm.
So với dự thảo năm 2007, FTA mới này được đánh giá là hài hòa hơn giữa lợi ích của đôi bên. Theo đó Mỹ sẽ loại bỏ mức thuế 2,5% với ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc trong vòng 4 năm, thay vì ngay lập tức như trước. Ngược lại, Hàn Quốc sẽ cắt giảm ngay (sau khi FTA có hiệu lực) thuế nhập khẩu xe hơi Mỹ từ 8% xuống còn 4%. Mỗi nhà sản xuất ô tô của Mỹ có thể xuất sang Hàn Quốc 25.000 chiếc/năm. Hàn Quốc cũng sẽ được phép duy trì 25% thuế trên thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ cho đến năm 2016 (muộn hơn hai năm so với FTA ban đầu). Riêng vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ, hai bên không đưa vào FTA lần này vì lo ngại sẽ bùng lên phản đối từ phía Hàn Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tuyên bố ngày 9-3 với các quan chức cấp cao 21 nền kinh tế thành viên APEC nhóm họp ở Washington để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC mà Mỹ đăng cai tại Hawaii tháng 11 tới, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng hợp tác kinh tế với châu Á sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc Quốc hội Mỹ sớm thông qua FTA với Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng giúp thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ 5 năm tới của Tổng thống B. Obama. Sự kiện đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại Hạ viện là điều kiện thuận lợi để FTA Mỹ - Hàn được thông qua; song, Quốc hội Mỹ vẫn còn nhiều dự luật quan trọng hơn đang chờ đợi được thông qua trong những ngày tới, nên chưa thể khẳng định FTA Mỹ - Hàn sẽ sớm được phê chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.