1. Phải khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian qua đã thực sự trở thành “đòn bẩy” kiến tạo phát triển đất nước. Trong đó, nổi bật là đã kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về pháp lý đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và các vấn đề đột xuất, phát sinh, vấn đề mới chưa có quy định...
Có thể thấy, khối lượng công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là rất lớn, do đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ưu tiên nguồn lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đưa vào cuộc sống. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ trong xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh lý... nhằm hoàn thiện thể chế; những đề xuất về xây dựng pháp luật và các cơ chế, chính sách của Chính phủ được Quốc hội giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Với quyết tâm cao, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 350 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 85 quyết định quy phạm pháp luật...
Nội dung các văn bản luật được thảo luận, thông qua đều rất quan trọng, mang tính cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó khơi thông mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước. Ở góc độ này, có thể kể đến một số bộ luật quan trọng, có tác động sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua như: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Đặc biệt, trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, bên cạnh tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát cơ chế, chính sách để ban hành quy định liên quan, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới ở một số lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo…
Trên hết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đều xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Mọi cơ chế, chính sách, pháp luật đều hướng tới người dân và doanh nghiệp, từ đó phát huy được các nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.
2. Bối cảnh hiện nay diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, nên thực tế một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; thậm chí có văn bản pháp luật vừa đi vào thực tiễn đã nảy sinh những bất cập cần sửa đổi… Do đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, các quy định cần sát thực tiễn, khả thi, khi đi vào cuộc sống tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc pháp lý, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Nhấn mạnh rõ hơn quan điểm này, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2024, diễn ra ngày 13-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: “Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc này, với quan điểm thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển, việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách góp phần huy động nguồn lực cho sự phát triển”.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng Hiến pháp và pháp luật, vì dân chủ, con người, quyền con người và quyền công dân. Do đó, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và liên tục. Bởi trong bối cảnh xã hội diễn biến nhanh, có những thay đổi khó lường trước như hiện nay, nếu không kịp thời rà soát, điều chỉnh quy định thì hoặc là bị lạc hậu so với tình hình, gây ách tắc nguồn lực xã hội, hoặc là vi phạm quy định.
Cũng để hệ thống pháp luật từng bước hoàn thiện, quá trình tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật phải được tăng cường giám sát, kiểm tra. Làm tốt việc này, chúng ta sẽ biết cơ chế, chính sách trong thực tiễn phù hợp đến mức nào, nguyên nhân do đâu, từ đó sớm sửa đổi, bổ sung và bịt ngay những kẽ hở pháp luật để không ai có thể lợi dụng làm điều phi pháp. Hơn nữa, việc tổ chức thi hành pháp luật phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, đối tượng điều chỉnh. Bởi chỉ khi luật đi vào cuộc sống, chúng ta mới thấy rõ hiệu quả, đồng thời phát hiện được những khiếm khuyết, chưa phù hợp để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện hơn.
Tựu trung, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải được tiến hành từng bước thận trọng và chắc chắn. Quá trình này, các cấp có thẩm quyền phải luôn lắng nghe từ người trong cuộc, người có tâm huyết, ý kiến của nhân dân, đồng thời tiếp thu, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp vào điều kiện, hoàn cảnh của nước ta. Chỉ có như vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mới thực sự hiệu quả và trở thành “đòn bẩy” kiến tạo phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.