Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, UBND thành phố Hà Nội nhận được 2.201 kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND thành phố chuyển đến.
Tập thể lãnh đạo UBND thành phố luôn nắm bắt và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm; nghiêm túc trong việc xem xét, trả lời, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri - Đó là khẳng định của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại phiên họp giải trình với Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về nội dung này chiều 14-6.
Cải tiến phương pháp, cách làm
Nhấn mạnh việc tiếp nhận giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết kiến nghị cử tri; từng bước cải tiến cả phương pháp, cách làm để bảo đảm kết quả thiết thực, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm.
Trong quá trình giải quyết kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách và kiến nghị với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố; từng bước chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tạo sự gắn bó, tin tưởng của cử tri trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước gắn với cuộc sống thường ngày của người dân và trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành.
UBND thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm, chất lượng tham mưu với UBND thành phố trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri; bảo đảm các kiến nghị của cử tri được xem xét, trả lời và giải quyết đầy đủ, kịp thời.
Vì thế, trong số hơn 2.000 kiến nghị, có 432 kiến nghị chung với UBND thành phố các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, văn hóa xã hội, pháp chế đều được UBND thành phố đã trả lời (đạt 100%). Đối với kiến nghị lĩnh vực kinh tế ngân sách, đã giải quyết xong 164/175 kiến nghị (đạt 93,7%), đang giải quyết 11/175 kiến nghị (chiếm 6,3%); lĩnh vực đô thị đã giải quyết xong 99/117 kiến nghị (đạt 84,6%), đang giải quyết 18/117 kiến nghị (chiếm 15,4%); lĩnh vực văn hóa xã hội đã giải quyết xong 51/55 kiến nghị (đạt 92,7%), đang giải quyết 4/55 kiến nghị (chiếm tỷ lệ 7,3%); lĩnh vực pháp chế đã giải quyết xong 81/85 kiến nghị (đạt 95,3%), đang giải quyết 4/85 kiến nghị (chiếm 4,7%); không có kiến nghị chưa giải quyết.
Về những kiến nghị cụ thể của các quận, huyện, thị xã, đến nay đã giải quyết xong 1.391/1.769 kiến nghị (đạt 78,6%), còn 359 kiến nghị (chiếm 21,4%).
Nhiều kiến nghị cần thêm thời gian giải quyết
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, thành phố đã quan tâm, giải quyết những nội dung kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị cử tri nêu cần có thời gian mới giải quyết được.
Đơn cử, những kiến nghị về đầu tư xây dựng hạ tầng, trường học, thực hiện chương trình nông thôn mới; phát triển huyện trở thành quận; các dự án bảo vệ môi trường; xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề... - đây là những vấn đề phức tạp, sử dụng vốn lớn, thành phố phải sắp xếp, cân đối bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai các quy trình, thủ tục theo pháp luật đầu tư công.
Cũng có nội dung cử tri kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ chưa được giải quyết dứt điểm, như: Dự án liên doanh nước ngoài có sử dụng đất tại khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình; dự án đường trục phía Nam thành phố; dự án khu đô thị Thanh Hà; dự án khu công nghệ cao sinh học Bắc Từ Liêm; dự án chợ đầu mối Minh Khai; tình trạng ô nhiễm tại sông Nhuệ...
Những kiến nghị trên thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan dẫn đến việc giải quyết kéo dài và cử tri tiếp tục kiến nghị.
Nguyên nhân là việc giải quyết một số tồn tại cần có thời gian tổ chức thực hiện; trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo lại phát sinh những khó khăn, bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách hoặc cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra đã có kết luận về sai phạm, cần rà soát kỹ, xem xét, tháo gỡ và giải quyết một cách thận trọng, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc điều chỉnh, ban hành quy định, cơ chế, chính sách đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai.
Nhiều nội dung kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch và việc sử dụng ngân sách các cấp để đầu tư. Việc đầu tư từ ngân sách cũng như việc điều chỉnh quy hoạch cần phải có nguồn lực, kế hoạch và triển khai theo quy trình, thủ tục pháp luật quy định nên không thể thực hiện ngay như cử tri mong muốn.
Bên cạnh đó, một số dự án khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ, khu đô thị mới, nhà máy xử lý rác thải, công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ sử dụng vốn ngoài ngoài ngân sách thuộc trường hợp phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoặc có phát sinh nhiều phức tạp, sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai... dẫn đến thời gian xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri có liên quan kéo dài...
Cũng do yêu cầu của Thường trực HĐND thành phố trong vòng 2-3 năm gần đây về việc rà soát, báo cáo Thường trực HĐND, HĐND thành phố kết quả thực hiện theo nhiệm kỳ 2021-2026 về giải quyết kiến nghị cử tri, thực hiện kết luận các phiên chất vấn, kết luận giám sát, phiên giải trình của HĐND, Thường trực HĐND, việc triển khai các Nghị quyết HĐND thành phố... dẫn đến khối lượng công việc báo cáo HĐND thành phố tăng nhiều. Trong khi đó, các ngành chức năng thực hiện công tác tổng hợp còn chưa khoa học, có lúc chưa xem xét thấu đáo những vấn đề cử tri kiến nghị, chưa phối hợp chặt chẽ... nên còn nội dung bị bỏ sót, trả lời sơ sài, một số kiến nghị chậm được giải quyết dứt điểm, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri.
Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ
Để nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục tập trung đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính bảo đảm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Đồng thời tăng cường nắm sát tình hình cơ sở để xử lý những vấn đề nóng, cử tri và nhân dân bức xúc, những vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và thiếu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu chung của thành phố; đưa nội dung giải quyết kiến nghị cử tri vào quản lý hồ sơ đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở.
UBND thành phố cũng đề nghị Thường trực HĐND thành phố tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu tăng cường công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trong đó tập trung vào những lĩnh vực cử tri kiến nghị nhiều lần, đã có cơ chế, chính sách cũng như quy định của pháp luật đảm bảo thực hiện nhưng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ gây bức xúc trong nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo các đơn vị tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri rõ ràng, mạch lạc, cụ thể thông tin (về kiến nghị, lĩnh vực, cơ quan giải quyết) để có thể chuyển đến đúng cơ quan thẩm quyền giải quyết. Đối với những kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau, cần nghiên cứu biên tập thành các kiến nghị cụ thể giúp cho việc chuyển kiến nghị cũng như theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết được thuận lợi, khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.