Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đòn bẩy'' kích cầu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ trong nước

Thanh Hiền| 23/12/2021 15:50

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Hà Nội đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường…, Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021 (Hanoi Great Souvernirs 2021) do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức, đã diễn ra từ ngày 17 đến 19-12, tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia, số 1 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm. Đây là sự hỗ trợ thiết thực của thành phố Hà Nội đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thành phố Hà Nội với thế mạnh là nơi tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 56 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 822 làng nghề; chế biến, bảo quản nông sản có 329 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 143 làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngành thủ công mỹ nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội.

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mây tre đan với lượng xuất khẩu chiếm 80%, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hân, Giám đốc Công ty TNHH Mây Việt cho biết, thị trường nội địa đã được phía doanh nghiệp khai thác, tuy nhiên, việc có những hội chợ thủ công mỹ nghệ như Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2021 giúp kết nối để doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng cả kênh bán buôn và bán lẻ. “Nhiều năm về trước, mây tre đan chủ yếu xuất khẩu. Những năm gần đây, những hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ giúp người dân trong nước biết đến làng nghề, biết đến các sản phẩm thủ công. Thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng, do đó, chúng tôi thấy cần quan tâm nhiều hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Hân nói.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, dịch Covid-19 đã làm suy giảm sức tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ. Bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của UBND thành phố, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; tiếp tục tổ chức hoạt động kết nối giao thương, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Với quy mô 200 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thành phố Hà Nội, các sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021 là những mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, sơn mài, khảm trai, lụa, thêu ren, mây tre đan, xương sừng mỹ nghệ...) đáp ứng tiêu chí bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách tham quan, giao dịch.

Nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng cho 130 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội, các nghệ nhân của Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội. Hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng, số lượng khoảng 70 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các quận của Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng thời, trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới; tổ chức đón tiếp, hỗ trợ các nhà nhập khẩu, khách quốc tế, khách thương mại trong nước đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ; tổ chức giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng giao thương hợp tác theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, tổ chức cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, khách quốc tế để tham quan, tìm hiểu một số doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ và sự hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện tối đa từ Ban tổ chức, Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2021 thực sự là “đòn bẩy” hữu hiệu hỗ trợ ngành Thủ công mỹ nghệ của Thủ đô vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ra thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đòn bẩy'' kích cầu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.