(HNM) - Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran vừa chợt lóe đã nhanh chóng lụi tàn. Thay vào đó là những căng thẳng mới nối tiếp đang đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran cận kề thùng thuốc súng.
Iran theo đuổi chương trình hạt nhân bị Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ. |
Chỉ một ngày sau khi đại diện Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Asghar Soltanieh phát biểu, Tehran sẵn sàng quay lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân một cách vô điều kiện thì ngày 27-7, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố, nước này sẽ chỉ nối lại các cuộc thương lượng hạt nhân kèm theo những điều kiện nhất định.
Theo Tổng thống M.Ahmadinejad, các cuộc đàm phán phải có thêm các nước tham dự, các bên liên quan phải công khai lập trường thân thiện hay thù địch đối với Nhà nước Iran cũng như lập trường về kho vũ khí hạt nhân của Israel. Cùng thời gian này, gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Tehran, gồm cấm bán thiết bị, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ cho ngành dầu khí Iran, đặc biệt trong lĩnh vực lọc dầu, hóa lỏng khí đốt, thăm dò và khai thác dầu khí chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, EU còn cấm đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Iran, cấm cung cấp những mặt hàng có thể dùng để chế tạo vũ khí thông thường; đồng thời sẽ tăng cường giám sát hoạt động của những ngân hàng có liên hệ với Iran ở EU và cấm những ngân hàng này lập chi nhánh.
Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast (ngày 27-7) tuyên bố, Tehran "rất lấy làm tiếc và lên án" lệnh cấm vận của EU: các lệnh trừng phạt này sẽ không giúp nối lại các cuộc đàm phán và không thể làm lung lay quyết tâm của Iran theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trước đó, nhà lãnh đạo Iran đã khẳng định, Mỹ cũng đang có kế hoạch phát động hai cuộc chiến tranh tại Trung Đông nhằm gây áp lực với Iran.
Trên thực tế, theo EU, các biện pháp trừng phạt này là một phần trong phương hướng phối hợp với đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton nhằm khôi phục các cuộc đàm phán đang bế tắc giữa Iran và Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết trừng phạt thứ tư đối với Iran thì lệnh trừng phạt mới từ EU vừa có hiệu lực chẳng khác nào "tiếp lửa" cho một khu vực đang rơi vào căng thẳng. Giữa tháng 6 vừa qua, cùng với các biện pháp quân sự được Washington siết chặt, Bộ Tài chính Mỹ còn thông báo về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty bảo hiểm, các công ty dầu và vận tải biển liên quan đến chương trình hạt nhân hoặc tên lửa của Iran. Đây là những biện pháp trừng phạt riêng rẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo đánh giá của giới quan sát, các biện pháp trừng phạt này còn "nặng" hơn các biện pháp trừng phạt của LHQ, sẽ ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài hơn đối với ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran. Ngày 27-7, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo bày tỏ quan điểm rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương này là "không thể chấp nhận được", bởi nó vượt quá cơ chế trừng phạt của HĐBA LHQ.
Iran là nước sản xuất dầu thô lớn thứ tư thế giới, nhưng lại nhập khẩu tới 40% nhu cầu nhiên liệu do không có đủ khả năng lọc dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU là một đòn giáng mạnh và vào nền kinh tế Iran. Và những phản ứng quyết liệt của quốc gia Hồi giáo này không nằm ngoài dự đoán của các nhà bình luận quốc tế. Quốc hội Iran, ngày 20-7, cũng đã thông qua dự luật cho phép trả đũa những nước tiến hành khám xét tàu và máy bay của Iran theo các biện pháp trừng phạt mới của LHQ…
Căng thẳng nối tiếp căng thẳng. Các biện pháp trừng phạt đang châm ngòi cho các biện pháp trả đũa từ Iran. Tất cả đang làm lu mờ những hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bằng các biện pháp hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.