Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam: “Lơ mơ” vì thiếu quy chế

Thùy An| 03/08/2016 07:08

(HNM) - Sau Giải Bóng bàn vô địch trẻ Đông Nam Á 2016 cũng như Giải Bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc vừa qua, chuyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được tập trung dưới hình thức như thế nào tiếp tục là nỗi lo đối với nhiều người. Trong khi đó, Quy chế về các đội tuyển quốc gia, trong đó có đội tuyển bóng

Ảnh:KTĐT



Nguyên Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long kể rằng, từ năm 2008 ông đã soạn bản dự thảo Quy chế đội tuyển quốc gia môn bóng bàn để báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT. Theo ông Nguyễn Đức Long, bản dự thảo là sự đúc kết kinh nghiệm làm HLV, VĐV trong hơn 30 năm của ông. Nếu không có Quy chế, các HLV sẽ rất khó làm việc bởi không thể tập trung được những VĐV tốt nhất. Nếu không có thời gian rèn tập cùng nhau, nhất là ở các nội dung đôi, VĐV khó đạt thành tích tốt khi thi đấu quốc tế cũng như cáng đáng nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia sau này. Cho nên, quy định điều đầu tiên trong dự thảo đó chính là VĐV phải tập trung cùng đội tuyển quốc gia khi được triệu tập; nếu không, sẽ không được thi đấu quốc tế cùng đội tuyển. Trong khi đó, quan điểm của lãnh đạo Tổng cục TDTT vẫn là để Ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia tự giải quyết vấn đề và Tổng cục chỉ tham gia dưới góc độ quản lý nhà nước. Cũng vì vậy mà đến nay vẫn chưa có Quy chế cho các đội tuyển quốc gia.

Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. Nếu VĐV tốt rơi vào tay HLV tồi hoặc không có phương pháp quản lý tốt thì dễ bị thui chột tài năng. Thực tế ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cách đây vài năm cho thấy cách huấn luyện, cách quản lý VĐV khi đó khiến VĐV không thể phát triển, thậm chí sa sút phong độ. Ngay lúc đó, trình độ của VĐV đội trẻ quốc gia còn thua xa so với nhiều VĐV ở các CLB địa phương.

Hai năm gần đây, khâu quản lý, huấn luyện ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã có chuyển biến rõ rệt khi vị trí HLV trưởng thay đổi. Cung cách sinh hoạt, quản lý, huấn luyện chuyên môn đã thể hiện tính chuyên nghiệp, nền nếp hơn. Tuy nhiên, cái khó vẫn nằm ở khâu tập trung những tay vợt trẻ xuất sắc nhất lên đội tuyển. Có lẽ, dư âm không hay về cung cách quản lý, huấn luyện của đội tuyển bóng bàn trẻ trước đó vẫn còn, nên các lò đào tạo nổi tiếng vẫn phải cân nhắc khi đưa VĐV lên tuyển. Vì vậy, trước giải trẻ Đông Nam Á vừa qua, toàn bộ đội tuyển chỉ tập trung tập luyện với nhau được đúng 1 tuần. Ban huấn luyện cũng chỉ cho các tay vợt nữ tập luyện với những tay vợt sử dụng mặt vợt gai trong thời gian ngắn. Đến khi vào giải, các tay vợt nữ Việt Nam đã chịu thua đáng tiếc trước những tay vợt sử dụng mặt vợt gai. Điều này khiến nhiều người nhớ về ý tưởng của nguyên Trưởng bộ môn bóng bàn Nguyễn Đức Long trước đây, là chỉ khi VĐV tập trung ở đội tuyển thì HLV trưởng mới biết cái hay, cái dở của các tuyển thủ.

HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ Bùi Xuân Hà cũng thừa nhận: "Không dễ để lấy lại niềm tin từ các lò đào tạo, khiến họ yên tâm khi gửi VĐV lên tuyển quốc gia. Chúng tôi chỉ có thể thuyết phục các lò đào tạo bằng chính cách làm, sự tận tâm của mình để mọi người tin rằng đội tuyển trẻ quốc gia không có chỗ cho chuyện “quân anh, quân tôi” và các VĐV cũng được tạo điều kiện tối đa để phát triển. Các lò đào tạo hoàn toàn có thể giám sát cách làm ở đội tuyển để nhìn nhận chính xác những gì đang xảy ra”.

Đầu tháng 8 này, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia sẽ tập trung, nỗi lo thiếu những tay vợt tốt nhất vẫn còn đó dù một số lò đào tạo nổi tiếng đã xác nhận sẽ đưa VĐV lên tuyển. Có lẽ, dù muốn hay không, Quy chế đội tuyển quốc gia bóng bàn Việt Nam cần phải được ban hành sớm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam: “Lơ mơ” vì thiếu quy chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.