Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối tượng mới của công tác dân số

Thảo Nguyên| 05/03/2011 07:28

(HNM) - Phụ nữ Việt Nam hiện nay chỉ sinh số con bằng 1/3 cách đây 50 năm. Đó là


Cán bộ y tế tư vấn, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ quận Thanh Xuân. Ảnh: Dương Ngọc


Giai đoạn trước, khi thủ thỉ với các chị, các mẹ, cộng tác viên DS thường tâm tình rằng, sinh ít con để thoát khỏi cảnh nghèo; sinh 2 con, dù trai hay gái cũng nên dừng lại để kiếm tiền, làm giàu, nuôi dạy con cái cho tốt... Nhưng nay, khi đời sống kinh tế khá hơn, không còn phải lo chạy ăn từng bữa, có của ăn của để và thậm chí là nhà cao cửa rộng, xe hơi... thì nhiều gia đình có tâm lý muốn sinh thêm con. Chị P ở khu biệt thự Văn Quán, ngoài 40 tuổi đã có 5 đứa, con gái đầu lòng đã 18 tuổi, còn cậu út mới hơn 1 tuổi. Việc nuôi con đối với chị không lấy gì làm vất vả vì chị thuê tới 4 người giúp việc. Chị cho rằng, chuyện sinh bao nhiêu con là quyền của chị, gia đình chị vẫn nuôi con khỏe, tạo cho con điều kiện sống và phát triển. Nghĩ đơn giản thế nên nhiều chị em khá giả ở nông thôn, nhất là khu vực làng nghề phát triển hay các làng ven đô cứ sinh con thứ 3 mặc cho cán bộ DS ngày ngày tỉ tê, vận động.

Một điều đáng chú ý nữa là nhiều chị em có trình độ học vấn cao đã sử dụng khả năng của mình vào việc lựa chọn giới tính cho con. Báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về vấn đề chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) ở Việt Nam cho thấy việc lựa chọn giới tính tỷ lệ thuận với trình độ giáo dục của phụ nữ. Phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì tỷ số GTKS càng cao. Cụ thể, tỷ số GTKS ở phụ nữ có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9 trẻ trai/100 trẻ gái; ở phụ nữ không biết chữ thì tỷ số này lại gần với mức sinh học bình thường (107,4 trẻ trai/100 trẻ gái). Thống kê của UNFPA còn cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh ngay trong lần mang thai thứ nhất và số người lựa chọn rất cao ở lần sinh thứ ba trở lên (dẫn đến tỷ số GTKS là 115,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ số GTKS ở những gia đình có điều kiện kinh tế giàu hơn thì cao hơn, nhóm giàu nhất là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi nhóm nghèo nhất lại ở mức bình thường - 105,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Xu hướng lựa chọn giới tính cho con đã góp phần vào tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai với những hệ lụy đã được cảnh báo.

Tri thức thay kinh nghiệm

Xu hướng sinh con của phụ nữ thời hiện đại đã đặt ra "bài toán" tuyên truyền, vận động cho đối tượng này một cách hiệu quả. "Lời giải" đầu tiên là nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS. Người làm công tác DS phải có đủ kiến thức và khả năng tuyên truyền, vận động một cách thuyết phục đối với những người phụ nữ có trình độ học vấn cao và giàu có. TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: "Công tác DS-KHHGĐ đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, không thể làm theo lối mòn. Kinh nghiệm rất quý, nhưng không thể thay thế tri thức". Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ đang được kiện toàn cả về số lượng lẫn chất lượng, làm ở xã, phường đã phải có trình độ từ trung cấp trở lên. Tổng cục Dân số-KHHGĐ đang xây dựng chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2011-2015, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ DS. Để tăng cường năng lực cho những người làm DS, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã khởi động năm mới Tân Mão bằng việc mở những lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách DS xã, phường, cán bộ DS cấp quận, huyện, giúp họ cập nhật kiến thức chuyên môn và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền. Hy vọng, với những nỗ lực ấy, đối tượng của công tác DS-KHHGĐ trong thời kỳ mới, những phụ nữ có trình độ và khá giả sẽ không còn ham đẻ nhiều con và "trọng nam, khinh nữ" nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng mới của công tác dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.