Sáng 13-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 với sự tham dự của đại diện hơn 600 doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, những năm qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính.
Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này thu ngân sách đạt hơn 97% dự toán năm 2023...Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Trong phần đối thoại, doanh nghiệp đã gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan nhiều câu hỏi để giải đáp, trong đó "nóng" nhất là vấn đề hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng .
Đại diện Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama hỏi về việc kê khai hóa đơn bị bỏ sót, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, người nộp thuế được kê khai bổ sung hóa đơn mua vào vào kỳ phát sinh nếu đáp ứng đầy đủ quy định về khấu trừ thuế và kê khai thuế được khấu trừ. Người nộp thuế cũng cần lưu ý là việc bỏ sót hóa đơn này cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra chưa, nếu đã thanh, kiểm tra mới bổ sung thì không được điều chỉnh.
Cũng liên quan đến hóa đơn, đại diện Công ty TNHH Aeon mall Him Lam hỏi về việc kê khai hóa đơn có ngày lập khác ngày ký có hợp lệ không, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đăng Ngọc Minh cho hay, trường hợp hóa đơn điện tử bán hàng hóa cung cấp dịch vụ đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác với thời điểm lập hóa đơn, nếu thời điểm ký số trên hóa đơn phát sinh cùng thời hoặc sau thời điểm lập hóa đơn thì hóa đơn điện tử này vẫn được coi là hợp lệ. Người bán thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo thời điểm lập hóa đơn, người mua thực hiện kê khai thuế tại thời điểm nhận hóa đơn.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đại diện Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần xuất khẩu tinh bột sắn nhưng 4 năm qua vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo ông Đặng Ngọc Minh, vấn đề của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát là câu chuyện dài trong thời gian qua liên quan đến việc hoàn thuế của một trong những doanh nghiệp về tinh bột sắn, thuộc lĩnh vực rủi ro.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu hoàn thuế của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát là căn cứ vào đánh giá rủi ro qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc. Vướng mắc của công ty đã được gửi Cục Thuế Hà Nội và Cục đã giải quyết khiếu nại.
“Quan điểm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế là công ty nên tiếp tục vận dụng quyền và nghĩa vụ của mình căn cứ vào tố tụng hành chính, chúng tôi sẵn sàng giải quyết khi có phán quyết. Còn về đánh giá rủi ro, trong thực tế hồ sơ cụ thể thuộc thẩm quyền của Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế đã có văn bản trả lời, chúng tôi đã có báo cáo Ban Dân nguyện để giải trình những vấn đề vướng mắc của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.