Khi đọc bài “Áo trở màu không”, cũng là tên gọi tập thơ của H.Man do NXB Văn học giới thiệu, bắt gặp hai câu đầu: “Bây giờ áo trở màu không/ Mây mùa thu/ nắng mùa đông/ nhạt nhòa...” và hai câu kết: “Bây giờ áo trở màu không/ Bao la sương khói.../ mênh mông là buồn”, ta mới vỡ ra thêm cái nghĩa sâu xa và có phần bí ẩn từ cái tên của tập thơ. “Áo trở màu không” có thể là cuộc tìm về nơi xa lắc xa lơ những mong “còn sót chút ân tình xưa cũ”. Ấy cũng là lúc “những giêng hai trong đời người cứ, xa biệt ngàn trùng” vì “mất dấu tìm về”.
Khi đọc bài “Áo trở màu không”, cũng là tên gọi tập thơ của H.Man do NXB Văn học giới thiệu, bắt gặp hai câu đầu: “Bây giờ áo trở màu không/ Mây mùa thu/ nắng mùa đông/ nhạt nhòa...” và hai câu kết: “Bây giờ áo trở màu không/ Bao la sương khói.../ mênh mông là buồn”, ta mới vỡ ra thêm cái nghĩa sâu xa và có phần bí ẩn từ cái tên của tập thơ. “Áo trở màu không” có thể là cuộc tìm về nơi xa lắc xa lơ những mong “còn sót chút ân tình xưa cũ”. Ấy cũng là lúc “những giêng hai trong đời người cứ, xa biệt ngàn trùng” vì “mất dấu tìm về”.
Nhưng “áo trở màu không” cũng là tâm niệm và tâm thế của tác giả. Trong “Khi tuổi già ập đến”, H.Man nhận ra: “Thương mình mỗi bước chông chênh/ Loay hoay với những nhớ, quên cuộc người". Cuộc đời là vậy! Trong “mỗi bước chông chênh”, chỉ “loay hoay với những nhớ, quên” cũng đủ hết đời, cũng đủ làm nên “cuộc người”. Chữ “loay hoay” ở đây được sử dụng rất đắt, đặt đúng chỗ, cất lên đúng lúc.
Trong “Lời thì thầm sương mưa”, H.Man nhận ra món nợ lớn trong nỗi bất lực của đời người: “Nợ buổi chiều một sớm mai/ Đường xa chiếc bóng trôi dài dưới chân”. Trong “Gia Nghĩa - ngày trở lại”, em và tôi, tôi và em, tình và cảnh, cảnh và tình, lại được hòa vào nhau và hình tượng hóa theo cách khác: “Trời em lãng đãng sương chiều/ Hoang vu với núi đìu hiu với rừng/ Tôi con dốc nhỏ lưng chừng/ Nằm nghe gió hát trên từng lá xanh”.
Trong tập thơ này, H.Man làm nhiều thơ lục bát. Tạng người cùng tạng thơ của ông gần với cái điệu tâm hồn, cách biểu cảm của thể thơ truyền thống trên sáu dưới tám. Lục bát của H.Man vừa tài hoa, vừa bảng lảng, vừa sâu xa, vừa khơi gợi. Có thể thống kê: “Đã nghe trăm tiếng lụi tàn/ Thời gian xiêu đổ mấy hoàng hôn kia” ("Phía đầu non mây trắng"); “Nghe chừng kỷ niệm qua tay/ Nghe mưa sũng ướt tình này rưng rưng/ Người dưng ơi! Ơi! Người dưng/ Cố quên như thể chưa từng có nhau” ("Khóc người dưng"); “Một vì sao rụng cuối thềm/ Một đêm dở giấc sương mềm mại trôi/ Chén trà khuya một mình tôi/ Vàng tay sợi khói bồi hồi nghiệp duyên” ("Rồi như mây trắng bay"); “Tôi về nhặt lại bóng tôi/ Gió đâu có gió mồ côi thế này/ Trên đầu - ngàn mây trắng bay/ Dưới sông - nước chảy tiễn ngày vào đêm” ("Hoa bên cầu Bàu Sấu"); “Ở đây/ ngày chết theo ngày/ Nước trôi tâm sự/ cát bày tịch liêu” ("Buồn lắm mà không khóc"); “Ngập ngừng giữa cõi mơ ta/ Rải ưu tư xuống hiên nhà quạnh hiu” ("Còn một nửa trăng xanh"); “Thuyền ai neo giữa mắt buồn/ Mà con sông cứ vọng nguồn xa xôi” ("Trà nguội"); “Sợi tình, sợi khói trên tay/ Tôi loay hoay buộc một ngày buồn tênh” ("Tình thoáng hơi hương"); “Rồi thôi! Về với muôn trùng/ Trăm năm khép, mở/ một vùng xanh rêu” ("Vọng tiếng muôn trùng")...
Nhiều lúc, thơ H.Man đắt ở chữ, hay ở chữ. Nhiều chữ được dùng sáng tạo và đúng cách đã làm tăng sức nặng không ngờ của câu thơ. Đó là “thoi thóp” trong “Vàng thêm chi nữa mà thoi thóp vàng”, “lấm” trong “Mười năm em lấm cỏ hoa”, “đau” trong “Lá mùa thu rụng đến đau phận mình”, “dẫn độ” trong “Ta bị nỗi buồn dẫn độ”, “câu kệ cũ” và “kiết già” trong “Ta lần câu kệ cũ/ Vì em mà kiết già”, “se” trong “Gió đông se một chỗ ngồi trống trênh”, “nồng” trong “Đất mới nồng lên một tiếng quê”, “lạnh” trong “Quán quen lạnh một chỗ ngồi trống trênh”, “héo” trong “Nợ dâu nợ héo ruột tằm"... Bên cạnh đó, người thơ còn bản lĩnh đến mức: “Áo cơm cắn đắng từng con chữ/ Mà nén lòng đau giữ chút hương”.
Nếu sinh thời, nhà thơ lớn người Đức B.Brecht từng viết trong bài “Tặng người sinh sau” với bốn câu kết: “Khi mọi lỗi lầm tiêu tan hết/ Người bạn sau cùng/ Ngồi đối mặt với chúng ta/ Là Hư Vô”, thì đối mặt với H.Man, chắc hẳn là “màu không”. Và “màu không” sẽ còn ám ảnh người đọc với những cuộc đối thoại không dứt tiếp theo, sau “độc thoại thơ” và “trở về mình bằng thơ” độc đáo, khác biệt của H.Man.
Nhà thơ H.Man tên thật là Phạm Văn Mận, sinh năm 1954 tại Quảng Nam, hiện là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Ông đã xuất bản một số tập thơ như “Mưa mùa bất chợt”, “Những mảnh tình rời”, “Trong miệt mài tôi quên”, “Vàng phai một thuở”, “Trong mênh mông gió cát”, “Lục bát bay vòng”, “Dẫn dụ đêm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.