Cho rằng dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ, đại biểu Quốc hội cho rằng việc đổi tên “Thẻ căn cước công dân” thành “Thẻ căn cước” sẽ không gây tốn kém.
Sáng 28-8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Đề nghị đổi tên Luật, đổi tên thẻ căn cước
Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đồng ý với phương án đổi tên luật thành Luật Căn cước. Bên dạnh đó, việc đổi tên “Thẻ căn cước” như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Tuy nhiên, đây là nội dung các vị đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đưa ra 2 phương án là giữ nguyên “Thẻ căn cước công dân” hoặc đổi tên thành “Thẻ căn cước”.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng Luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan. Dự thảo Luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước…
Về một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này; đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật chỉ quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên; đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số ở nước ta. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp.
Làm rõ, khắc phục những hạn chế khi đổi tên Luật
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến nội dung đổi tên luật và đổi tên thẻ căn cước công dân. Mặc dù một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp không nhất thiết phải đổi thẻ. Đại biểu cho rằng việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. “Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”, đại biểu nói.
Cùng quan điểm, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh), thẻ căn cước mang tính chất định danh và thẻ căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, chủ yếu là về mặt hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc cơ sở dữ liệu quốc gia đang lưu trữ. Đại biểu cho biết, chúng ta đang hướng tới một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ, mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Do đó, việc đổi tên thành Luật Căn cước, theo đại biểu cũng không có ảnh hưởng gì.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng nên đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước. Tuy nhiên, cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân, đồng thời cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn bằng chính những chế định, điểm, khoản, điều trong dự thảo luật. Đặc biệt là các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó về tên gọi của luật. Đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Căn cước bảo đảm tính khoa học, tính phổ biến, phù hợp với thông lệ quốc tế, mang tính bao trùm, toàn diện, phù hợp với sự thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật. “Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, giải trình thấu đáo các vấn đề đại biểu nêu chưa đồng tình với tên gọi Luật Căn cước, bảo đảm các điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu”, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.