Xã hội

Đề nghị giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân

Mai Hữu 22/06/2023 - 20:21

Về đề nghị của Chính phủ đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, thảo luận ở hội trường chiều 22-6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên, đồng thời không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.

nguyenthithuy.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).

Cân nhắc thông tin tích hợp

Tham gia ý kiến vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, không nên bỏ mục “quê quán” trong căn cước công dân bởi sẽ không thống nhất với quy định ngay trong dự thảo về việc nhận diện lai lịch của công dân.

Về việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" (trên căn cước công dân) thành "nơi cư trú", đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề nghị cân nhắc vì có nhiều trường hợp thay đổi nơi cư trú, dẫn đến thông tin trên căn cước không chính xác.

Tích hợp giấy tờ vào căn cước hiện nay là nội dung hợp lý và tạo thuận lợi cho người dân cũng như cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quy định tích hợp giấy tờ trong căn cước công dân sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó nên linh hoạt giao Thủ tướng Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, Bộ Công an quản lý các cơ sở dữ liệu bao gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước. Các cơ sở dữ liệu này đều với mục đích quản lý nhân thân của một cá nhân.

“Theo tôi, nên cân nhắc liên thông, tích hợp 3 cơ sở dữ liệu nói trên thành một hệ thống cơ sở dữ liệu để tập trung đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, tránh gây lãng phí ngân sách, nguồn lực, đồng thời cũng thuận tiện trong quá trình khai thác và sử dụng”, đại biểu nói.

nguyenhaidung.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định).

Về việc dự thảo Luật quy định cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, bày tỏ sự đồng tình, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, sẽ tạo thuận tiện cho gia đình trong các giao dịch của gia đình, của trẻ em đối với nhà nước.

Đồng tình với quy định này, tuy nhiên đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực so sánh giữa chi phí và lợi ích đem lại. “Ngoài ra, đề nghị quy định trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước, tránh việc lộ lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ vào mục đích xấu”, đại biểu nói.

phamvanhoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Chưa đồng thuận đề xuất đổi tên Luật

Về đề nghị của Chính phủ đổi tên dự án Luật thành Luật Căn cước để phù hợp việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật trong việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, các đại biểu Quốc hội không đồng tình, bởi chưa có lý do thuyết phục.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tên gọi căn cước công dân không có gì bất cập thời gian qua, trong khi đề xuất thay đổi tên nhưng lại chưa được đánh giá tác động.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng cần cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật đối với người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

“Hiến pháp quy định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, người gốc Việt không phải là công dân Việt Nam. Về nguyên tắc, căn cước chỉ được cấp cho công dân Việt Nam, việc bổ sung cấp căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam là chưa bảo đảm thống nhất với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định pháp luật khác”, đại biểu nói.

nguyenhuythai.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu).

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), bản chất căn cước là dấu ấn về xã hội, văn hóa, chính trị. Vì vậy, cần giữ tên Luật Căn cước công dân vì có phần chung là căn cước, nhưng có phần đặc thù về công dân và tất cả các vấn đề gì thuộc về, liên quan đến công dân.

botruong.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.