(HNM) - Hôm nay, ngày 21-4, những người làm báo Việt Nam cùng hướng về Ngày kỷ niệm 69 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2019). Dịp này, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về hoạt động công tác hội cũng như đời sống báo chí Việt Nam hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. |
Trách nhiệm gìn giữ đạo đức nghề nghiệp
- 69 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế của mình trong đời sống chính trị, xã hội. Đồng chí nhận định thế nào về chặng đường đã qua của Hội Nhà báo Việt Nam?
- Nhìn lại chặng đường 69 năm, kể từ khi Hội Nhà báo Việt Nam ra đời, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những đóng góp của Hội và các cấp hội, hội viên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước cũng như báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam luôn đồng hành, có những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, từ đó xây dựng một nền báo chí giàu bản sắc, vững vàng và luôn bảo đảm tính định hướng.
Để có được điều đó là nhờ công lao bồi đắp, gây dựng của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội. Và đương nhiên phải kể đến hội viên của Hội - những người đã làm sáng ngời phẩm cách của người làm báo Việt Nam, bằng việc không ngại khó, ngại khổ, dám dấn thân, ngăn chặn cái xấu, bảo vệ lẽ phải, luôn bồi đắp kiến thức, vốn sống... Tất cả càng có động lực cống hiến khi Hội và các cấp hội luôn nỗ lực làm mới, bám sát thực tiễn và có nhiều hoạt động thiết thực.
Nhờ đó, Hội báo toàn quốc đã được gây dựng trở thành sự kiện thường niên hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Rồi gần đây, việc khánh thành Bia di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã tôn vinh thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam cũng như Hội Nhà báo Việt Nam…
- Gần đây, vấn đề đạo đức người làm báo thường được đề cập. Hẳn nhiên, mọi sự cũng có lý do của nó, thưa đồng chí?
- Chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí. Thực tế, đã xuất hiện không ít tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Có hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật. Đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, với nhiều cách thức tinh vi. Không ít sản phẩm báo chí sa vào giật gân, câu khách, kích thích những thị hiếu tầm thường. Không ít tờ báo, ấn phẩm báo chí còn nặng xu hướng “đánh đấm”.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Không ít người làm báo bị vấp váp, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Ngoài ra, không thể không kể đến việc một số người làm báo tham gia mạng xã hội cũng chưa hiểu hết vai trò, vị trí của mình.
- Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng nêu trên?
- Những biểu hiện tiêu cực đó do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan chính là mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động mạnh đến đạo đức nhà báo. Song, nguyên nhân chủ quan là cốt lõi, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Ngoài ra, phông kiến thức nói chung và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí nói riêng của một bộ phận nhà báo còn hạn chế.
- Còn về việc nhà báo tham gia mạng xã hội, đồng chí đánh giá thế nào vấn đề này?
- Hiện nay ở nước ta có khoảng 60 triệu người tham gia mạng xã hội - Facebook, trong đó có hầu hết các nhà báo. Ngoài những tiện ích to lớn, mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, trực tiếp đến cách hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo... Nhà báo sử dụng mạng xã hội không hoàn toàn đơn thuần như một “cư dân mạng”, ngoài tư cách công dân, với chức trách và nhiệm vụ của mình, còn là người dẫn dắt và định hướng dư luận. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội cũng cần nghiêm túc, chuẩn mực như khi tác nghiệp báo chí, góp phần tạo thành một luồng dư luận đúng để chống lại luồng dư luận không đúng. Rất mừng là nhiều người làm báo cũng đã nắm bắt được điều này và thể hiện rõ khi tham gia mạng xã hội.
- Như vậy, từ yêu cầu của việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã có hàng loạt hành động nhanh, quyết liệt trong thời gian qua, thưa đồng chí?
- Đơn giản, những hành động trong thời gian qua của Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ để đáp ứng yêu cầu từ thực tế của hoạt động báo chí. Do vậy, ngày 15-12-2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ 1-1-2017. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức cho hội viên, nhà báo, phóng viên học tập, quán triệt Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời, thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở trung ương và các cấp hội địa phương; hoạt động hiệu quả phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử...
Đặc biệt, đã ban hành Quyết định phóng viên thường trú là hội viên Hội Nhà báo, có trách nhiệm tham gia sinh hoạt tại các Hội Nhà báo địa phương, góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí cũng như giúp các cấp hội phối hợp chặt chẽ, can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo khi bị hành hung, đe dọa, cản trở tác nghiệp. Bên cạnh đó, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cũng đã được ban hành.
Những hành động trên nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Từ đó, tự tin vượt qua mọi thử thách, bảo vệ uy tín, danh dự của những người làm báo cách mạng.
Còn nhiều yêu cầu phía trước
- Về vấn đề nêu cao, gìn giữ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Hội sẽ có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
- Để thực hiện nghiêm Luật Báo chí, nêu cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cuờng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực của công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng báo chí; các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí cần làm tốt việc giáo dục, học tập, thực hiện Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam...
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp của Hội Nhà báo Việt Nam với các cơ quan chỉ đạo, quản lý, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giám sát hoạt động nghiệp vụ, tuân thủ pháp luật, quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, hội viên…
- Gần đây, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Hội sẽ có những bước đi thế nào để góp phần thực hiện tốt quy hoạch?
- Trước tiên, phải khẳng định sự cần thiết ra đời của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến quy hoạch cụ thể để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Chính vì vậy, quy hoạch trên hứa hẹn mang đến những điều tích cực hơn cho báo chí cả nước, qua đó làm rõ quan điểm của Đảng, Chính phủ khi đề ra và xây dựng quy hoạch là báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển mạnh và bền vững, làm tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội cũng như hạn chế được sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, quy hoạch sẽ góp phần ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực trong đời sống báo chí.
Nhưng việc quy hoạch cũng tác động trực tiếp đến đời sống báo chí và đời sống của từng nhà báo, hội viên, các cấp hội và cơ quan báo chí. Tới đây sẽ có nhiều cơ quan báo chí hoặc sáp nhập, hoặc chuyển từ báo thành tạp chí; đồng thời chấm dứt hoàn toàn việc báo hóa tạp chí. Điều đó dẫn đến nhiều nhà báo thiếu hoặc thậm chí là mất việc làm hoặc chuyển sang làm việc khác.
Hội Nhà báo Việt Nam với trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và luôn luôn sát cánh cùng các cấp Hội, các hội viên để hỗ trợ, giúp đỡ. Đây là việc rất thời sự trong cuộc họp gần đây của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội nghị toàn thể tổng kết năm 2018, định hướng năm 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam mới diễn ra tại Cần Thơ ngày 19-4.
Đồng thời, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn và đề nghị các cấp từ trung ương đến địa phương khi thực hiện Quy hoạch báo chí phải có lộ trình hợp lý. Ngoài ra cũng quan tâm thích đáng để giải quyết, hỗ trợ một cách cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, nhà báo.
- Bên cạnh những công việc đó, thời gian tới, Hội còn ưu tiên giải quyết vấn đề gì, thưa đồng chí?
- Hiện tại, vẫn còn một số tổ chức Hội Nhà báo địa phương chưa theo kịp sự phát triển của báo chí. Rồi, công tác bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, nhà báo ở một số cấp hội, các cơ quan báo chí chưa thật sự được chú trọng. Cũng còn chuyện Hội Nhà báo ở một số nơi chưa được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hiệu quả… Những vấn đề này luôn được xem là ưu tiên giải quyết hàng đầu trong hoạt động công tác hội.
Ngoài ra, đời sống báo chí nước nhà luôn thay đổi, có nhiều vấn đề cấp bách đặt ra, nên luôn có những yêu cầu mới với người làm công tác hội. Sự nhạy bén, nhanh chóng nhận ra xu hướng, biểu hiện trong làng báo, từ đó sớm có hướng giải quyết là yêu cầu cấp thiết với người làm công tác hội, để Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là mái nhà chung, điểm tựa của những người làm báo Việt Nam cũng như đưa nền báo chí Việt Nam phát triển đúng định hướng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.