(HNM) - Khi trời lạnh bất thường vào ban đêm và sáng sớm, sau đó đến trưa nhiệt độ lại tăng lên hơn 10 độ C - cũng là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì đột quỵ, chảy máu não gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh (Bệnh viện Da liễu trung ương) tư vấn cho bệnh nhân. |
Cảnh giác những cơn đau đầu...
Những ngày gần đây, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) tiếp nhận số bệnh nhân đột quỵ, tai biến, chảy máu não tăng từ 10% đến 20% so với thời điểm trước đó. Chỉ tính riêng mỗi buổi tối, tại đây tiếp nhận cấp cứu từ 5 đến 7 ca chảy máu não.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não cho biết, năm nào cũng vậy khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ có sự chênh lệch khá lớn giữa ban ngày, ban đêm và sáng sớm là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì biến chứng đột quỵ, tai biến mạch máu não, chảy máu não gia tăng. Đáng lưu ý là số người trong độ tuổi sung sức cũng có thể bị rơi vào tình trạng này.
Nằm điều trị tại Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), anh Phùng Thế M. (sinh năm 1986 ở tỉnh Bắc Ninh) luôn trong tình trạng ý thức lơ mơ. Trước khi nhập viện 3 ngày, anh M. bị đau đầu dữ dội, uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Đến khi thấy cơ thể rơi vào trạng thái lờ đờ, không đi lại được anh M. mới đồng ý để người nhà đưa đi viện…
Tương tự, trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi bị chảy máu não do vỡ phình mạch được cấp cứu vào đây nhưng do tiên lượng nặng, khả năng chết não cao nên được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện trung ương Quân đội 108). Cách đó mấy ngày, bệnh nhân này cũng bị đau đầu bất thường nhưng chủ quan không vào viện sớm…
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng manh rất dễ vỡ. Khi phình mạch vỡ thường gây ra chảy máu dưới nhện. Chảy máu dưới nhện có tỷ lệ tử vong cao, nếu sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như: Liệt, rối loạn ý thức...
Thời tiết se lạnh kèm theo hanh khô còn khiến cơ thể ít tiết mồ hôi và các a xít hữu cơ cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về da như: Khô da, ngứa, chàm, vảy nến... Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, trong mùa thu và mùa đông khi độ ẩm không khí thấp, lượng hơi nước bốc hơi qua da nhiều.
Cũng trong mùa lạnh, khí hậu khô, nếu ngồi làm việc trong phòng có điều hòa nhiệt độ, làm độ ẩm không khí càng giảm đi, tăng mất nước qua da khiến da càng khô hơn. Thêm vào đó, khi tắm nước nóng hơn nhiệt độ sinh lý cơ thể 37 độ sẽ khiến hơi nước mất qua da nhiều, do đó, khi tắm xong da dễ bị khô và ngứa...
Đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân phình mạch máu não, đột quỵ, tai biến. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Văn Cường, với hướng dẫn ở trên mạng là để bệnh nhân nằm yên, không di chuyển, lấy kim chích máu 10 đầu ngón tay, chân và đợi đến khi nào tình trạng bệnh ổn mới đến viện. Đây chính là cách lấy đi sinh mạng bệnh nhân nhanh nhất. Nhiều người vì học theo những cách sơ cứu, cấp cứu không có cơ sở khoa học trên mạng đã làm mất đi thời gian “vàng” trong điều trị.
“Thậm chí, nhiều bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội, bất thường nhưng vẫn cố làm việc hoặc nghĩ do nhiều nguyên nhân như thời tiết, uống rượu, căng thẳng công việc… nên không tới viện kiểm tra, chụp CT mạch máu não hay cộng hưởng từ mạch máu não để khảo sát có phình, dị dạng hay không. Trong khi đó, với bệnh nhân phình mạch máu não, việc đưa đến viện càng sớm cơ hội cứu sống càng cao” - Bác sĩ Phạm Văn Cường nói.
Bác sĩ Phạm Văn Cường chăm sóc bệnh nhân Phùng Thế M. (sinh năm 1986, ở tỉnh Bắc Ninh). |
Để phòng bệnh trong thời tiết hiện nay, bác sĩ Phạm Văn Cường khuyến cáo, người cao tuổi hay có thói quen dậy sớm 5-6h sáng đi ra ngoài tập thể dục, điều đó là rất nguy hiểm. Do đó, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín, tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, khi đi ra ngoài nên lưu ý những thời điểm khiến cơn đột quỵ, tai biến, chảy máu não dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu, bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ, chảy máu não…
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, vào mùa lạnh, nên tắm nước nóng vừa phải, không nên ngâm quá 10-15 phút làm hơi nước bốc hơi qua da nhiều. Đặc biệt, nên sử dụng kem dưỡng ẩm thích hợp trong vòng 3 phút sau tắm, cần thoa kem dưỡng toàn thân để tạo lớp bảo vệ giúp da không mất nước.
Với những người có sẵn bệnh lý về da cần lặp lại việc bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, một việc làm khác không thể thiếu là ăn nhiều rau xanh, củ quả, uống đủ 2 lít nước/ngày để da được cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.