(HNM) - Trải qua các thời kỳ và trong những điều kiện lịch sử khác nhau, đội ngũ trí thức ở Thăng Long - Hà Nội đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với
Đội ngũ nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô trong 70 năm qua. |
- Trong suốt hơn 1.000 năm là trung tâm văn minh - văn hiến của cả nước, Hà Nội là nơi nhân tài hội tụ và đội ngũ trí thức Thăng Long - Hà Nội đã có những đóng góp rất lớn trong việc xây dựng hệ thống chính trị, pháp điển, giáo dục, học thuật và nền văn hiến của Việt Nam. Còn với sự kiện trọng đại Cách mạng Tháng Tám và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vai trò của những trí thức Hà Nội được phát huy như thế nào, thưa giáo sư?
- Đội ngũ trí thức Thủ đô là một trong những lớp cán bộ cách mạng đầu tiên được Bác Hồ trực tiếp đào tạo cho thời kỳ giành độc lập tự do cho dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc hồi sinh vĩ đại của đất nước, Thủ đô là nơi Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi quyết định và ở đó, đội ngũ này đã có những đóng góp quan trọng. Chúng ta không thể không kể đến phong trào thanh niên sinh viên mà nơi khởi xướng là Trung tâm Học xá Đông Dương, họ đã không chỉ làm cho phong trào yêu nước ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ mà còn tổ chức các đoàn học sinh yêu nước đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trên đường đi, họ đã truyền cảm hứng, làm xuất hiện một làn sóng yêu nước mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Rồi trong những ngày quyết liệt nhất của cuộc đấu tranh giành chính quyền, khi vẫn còn không ít trí thức đang băn khoăn “giữa nhiều dòng nước”, nhiều nhóm trí thức đã dứt khoát lựa chọn đứng về phía cách mạng, như nhóm Tri Tân, nhóm Thanh Nghị với những trí thức lớn như Vũ Đình Hòe, Nghiêm Xuân Yêm, Đỗ Đức Dục… Trong cuộc tranh đấu đó, những trí thức - nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao đã nhiệt thành tham gia cách mạng với hành trang tri thức, tài năng và tâm huyết của mình. Đội ngũ này đã góp phần tạo nên nét riêng của trí thức Bắc Hà “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” vừa quyết liệt vừa nhân văn, lãng mạn trong những ngày mùa Thu lịch sử.
- Sau 70 năm, giờ đây, Hà Nội đã có hàng trăm viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ với hàng vạn nhà khoa học. Nguồn lực trí tuệ to lớn đó có thể được phát huy như thế nào để đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội một cách hiệu quả và bền vững?
- Hà Nội hiện là nơi tập trung 70% tổ chức khoa học, công nghệ (KHCN) và viện nghiên cứu; với 80% các nhà khoa học đầu ngành, xuất sắc nhất cả nước. Lãnh đạo TP Hà Nội cần coi đây là nguồn lực thực sự của Thủ đô. Về phần mình, đội ngũ trí thức có trách nhiệm “trả nợ nguồn” cho Hà Nội bằng tài năng, công sức và tâm huyết của mình. Thực tiễn ghi nhận, các tổ chức KHCN, giáo dục, đào tạo đều sẵn sàng cống hiến, chung tay giải quyết những vấn đề của Thủ đô. Vì vậy, nếu khai thác, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ to lớn này thì nhất định Hà Nội sẽ phát triển thành công kinh tế tri thức một cách hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, đội ngũ trí thức Hà Nội còn đang thiếu một cơ chế thuận lợi và hiệu quả để kết hợp giữa các nhà quản lý với nhà khoa học, cũng như sự kết hợp nhà khoa học với doanh nghiệp. Một thiếu sót không thể bỏ qua hiện nay của Hà Nội là chưa hình thành được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành để giúp các nhà quản lý khi cần giải các bài toán điều hành. Bộ cơ sở dữ liệu này phải luôn cập nhật và tiện dụng cho nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp tham khảo, tham vấn khi cần. Làm được điều này, chúng ta sẽ giảm bớt tình trạng nhà quản lý, doanh nghiệp... phải mò mẫm tìm kiếm như hiện nay khi cần những ý kiến tư vấn xác đáng. Khi đó, nhà khoa học sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin đầu vào đáng tin cậy, góp phần đưa ra những quyết sách, chủ trương, hành động xác đáng để Thủ đô trở thành đầu tàu kinh tế, văn hóa của cả nước.
- Vậy theo giáo sư, đâu là giải pháp để khơi thông những vướng mắc, giúp cho sự kết hợp giữa các nhà khoa học và nhà quản lý cũng như với các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao?
- Trước tiên, Luật KHCN mới đã ra đời, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế đặt hàng đối với các nhà khoa học. UBND thành phố, các sở, ban, ngành phải đưa ra những đơn đặt hàng thực sự, nêu rõ yêu cầu đối với kết quả đầu ra như thế nào, ứng dụng vào đâu, hiệu quả ra sao, đồng thời phải bố trí nguồn lực thỏa đáng cho nhà khoa học có thể chuyên tâm nghiên cứu… Từ những vấn đề rất thiết thực như các giải pháp thực tiễn để bảo vệ nguồn nước ngầm, đất ngập nước, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, đến phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành, phát triển và quản lý hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, xây dựng hành trang văn hóa cho người Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế đến việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng… đều cần có sự vào cuộc của nhà khoa học.
Thứ hai, thành phố phải đặt hàng cho các cơ quan khoa học lớn ở Hà Nội như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Các cơ quan này phải có nghĩa vụ đóng góp như thế nào với tư cách là các tổ chức, trung tâm tham gia đào tạo nguồn nhân lực, tham gia nghiên cứu phát triển và nằm trên địa bàn Hà Nội?
Thứ ba, Hà Nội cần thực hiện tốt hơn những diễn đàn để các nhà khoa học đóng góp, tư vấn, phản biện chính sách. Với các vấn đề bức xúc, nhạy cảm, Hà Nội cần giao cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chính họ phải lấy ý kiến khảo sát của người dân, trình đề án hợp lý cũng như làm công tác xã hội hóa qua truyền thông để có sự đồng thuận của người dân. Cần tránh chuyện nhà quản lý làm trước, nhà khoa học theo sau, khiến Hà Nội vướng vào những khó khăn không đáng có. Tôi tin đó là những giải pháp trong tầm tay mà chúng ta có thể làm được.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.