Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

Lâm Vũ| 05/11/2016 07:49

(HNM) - Được coi là

Chất lượng hướng dẫn viên là một trong những ưu điểm giúp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút đông khách tham quan.Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu và mất cân đối cơ cấu

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến nay, cả nước có 17.387 HDV du lịch, bao gồm 9.920 HDV quốc tế phục vụ cho 8 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam/năm, 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài/năm; 7.467 HDV nội địa phục vụ hơn 45 triệu lượt khách nội địa/năm. Trong khi thực tế, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa. Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng, HDV của nước ta còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu. Trong số 9.920 HDV quốc tế thì tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Trung có 1.586 người, tiếp Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Hàn là 72 người...

Tình trạng thiếu HDV đang dẫn đến hiện tượng HDV "chui" xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là vào mùa cao điểm khách quốc tế. Cụ thể, một số người nước ngoài sống lâu năm ở Việt Nam, thông thạo dịch vụ, đã tự tổ chức tour, hướng dẫn khách khiến nội dung thông tin bị truyền tải sai lệch, khó kiểm soát. Mặt khác, theo phản ánh của nhiều du khách, thay vì giới thiệu những cái hay, cái đẹp, lịch sử văn hóa của vùng miền, địa điểm tham quan thì một bộ phận HDV lại nói qua loa đại khái và chỉ nhăm nhe đưa khách đến các điểm mua sắm là "mối ruột" để kiếm hoa hồng.

Thực tế cho thấy với các thị trường mới như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil,... rất hiếm HDV nên giải pháp của nhiều công ty du lịch là sử dụng lao động từng đi xuất khẩu tại các thị trường đó, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng rồi thuê làm HDV. Vì xuất phát điểm như trên nên trình độ của HDV rất hạn chế trong khi đó du lịch Việt Nam chủ yếu là du lịch văn hóa lịch sử, rất cần kiến thức chuyên sâu.

Có nhiều nguyên nhân dẫnđến tình trạng yếu kém của HDV, trong đó có bất cập liên quan đến việc cấp thẻ HDV. Theo quy định hiện hành, chỉ cần trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn 3 tháng và đạt yêu cầu là bất kể người lao động đó có học chuyên ngành HDV du lịch trước đó hay không, đều có thể được cấp bằng HDV du lịch. Tình trạng này dẫn đến số lượng HDV du lịch tăng liên tục qua các năm nhưng vẫn thiếu HDV có trình độ cao.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban HDV Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, hiện đang có những quy định phi lý về tiêu chuẩn HDV. Cụ thể, HDV quốc tế phải có bằng đại học, còn HDV nội địa chỉ cần bằng phổ thông. Hậu quả của cách làm này là rất nhiều HDV có thẻ nhưng hành nghề kém hoặc không thể hành nghề. Trong khi nhiều người có kiến thức, nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ lại không thể hành nghề vì chưa có bằng đại học nên không được cấp thẻ, kể cả sinh viên học cao đẳng ở nước ngoài về.

Đã đến lúc thay đổi

Theo các chuyên gia du lịch, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung và HDV nói riêng, thì cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, khuyến khích người học học thêm các ngoại ngữ hiếm theo dự báo thị trường khách quốc tế. TS Trần Văn Long, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, cần tăng cường mối liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, bởi xu thế này ngày càng mang lại lợi ích cho cả ba bên gồm: Nhà trường, doanh nghiệp và người học. Về phía nhà trường là được trang bị các thiết bị hiện đại, đắt tiền mà đơn vị khó có điều kiện tự sắm, sử dụng được những chuyên gia, nhân viên lành nghề trong doanh nghiệp, kịp thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung và cải tiến được các chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu doanh nghiệp.

Về phía người học, có điều kiện để tiếp cận được với môi trường thực tiễn với nhịp độ khẩn trương của doanh nghiệp, hình thành được tác phong lao động công nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì có thể sử dụng lao động ngay sau khi tuyển mà không mất công đào tạo hoặc đào tạo lại. Còn theo TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội thì cần thực hiện nghiêm việc thanh tra rà soát, kiểm tra và có biện pháp xử phạt nặng nhằm chấm dứt tình trạng HDV du lịch "chui" đang gây bức xúc dư luận và thiệt hại cho hoạt động du lịch chân chính.

Trăn trở về chất lượng HDV, ông Nguyễn Văn Mỹ kiến nghị, cần ban hành quy chuẩn chung về đào tạo HDV. Do đặc thù nghề nghiệp, chuẩn học vấn của HDV phải là cao đẳng để có nền kiến thức chung. Nếu học nghề khác phải có 4-6 tháng học nghiệp vụ. Bên cạnh đó, giao việc cấp thẻ HDV cho Hiệp hội Lữ hành và các trường đào tạo chứ không phải cơ quan nhà nước như hiện nay. HDV là nghề nên thẻ HDV có thể bị thu hồi nếu vi phạm hoặc 5 năm không hành nghề. Thống nhất chương trình đào tạo HDV; phương pháp và hình thức thì mỗi trường có thể vận dụng riêng nhưng phải bảo đảm chuẩn kiến thức chung và nghiệp vụ. Đặc biệt, cần chú trọng tính thực tiễn trong đào tạo và tăng tối đa thời gian thực hành, thực tập ngay năm đầu tiên của chương trình học.

Du lịch nước ta hiện đang bị đánh giá thua cả các nước Lào và Campuchia. Vậy nên, đã đến lúc du lịch Việt Nam phải tăng tốc, rút ngắn khoảng cách với các nước. Và để làm được điều này thì phải đột phá tiên phong từ khâu đào tạo đội ngũ HDV, tạo động lực thúc đẩy cho toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.