Những thay đổi trong phương án tuyển sinh năm 2016 sẽ đem đến sự an toàn, bớt xáo trộn so với năm 2015 nhưng là một bước thụt lùi”.
Đó là nhận định của Phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, trong cuộc trao đổi với báo chí. Ông là người đã có rất nhiều năm làm công tác tuyển sinh và cũng là người rất tích cực hỗ trợ thí sinh trong kỳ xét tuyển năm 2015.
Những thay đổi lớn trong năm 2016 phải kể đến như thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký xét tuyển như năm 2015. Thí sinh không đăng ký trực tiếp tại trường mà đăng ký qua bưu điện hoặc internet. Khi đăng ký, thí sinh không cần dùng giấy chứng nhận kết quả thi mà dùng mã số ghi trên giấy. Các em được đăng ký nguyện vọng một cùng lúc hai trường, mỗi trường hai ngành thay vì chỉ được đăng ký vào một trường. Các nguyện vọng tiếp theo, thí sinh được đăng ký cùng lúc ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng…
- Thưa Phó giáo sư Đỗ Văn Xê, là người trực tiếp làm công tác tuyển sinh đại học trong nhiều năm qua, đặc biệt trong công tác tuyển sinh năm 2015, ông đánh giá thế nào về những thay đổi của quy chế tuyển sinh đại học năm nay?
Phó giáo sư Đỗ Văn Xê: Có thể thấy những thay đổi này sẽ đem đến sự an toàn hơn, không xáo trộn như vừa qua, nhưng lại là bước thụt lùi.
Ưu điểm của kỳ tuyển sinh năm 2015 là sau khi biết điểm, biết năng lực của mình, thí sinh sẽ có căn cứ chọn trường. Đăng ký xét tuyển xong, các em biết được thứ hạng của mình trong số các thí sinh đã nộp hồ sơ vào cùng ngành, cùng trường. Nếu biết khả năng cạnh tranh thấp, thí sinh có thể rút hồ sơ ra và tìm cơ hội ở một trường khác có cơ hội đỗ cao hơn, thay vì chấp nhận trượt và phải chờ đợi một năm sau để ôn lại, thi lại. Các thí sinh cạnh tranh công bằng gần như tuyệt đối trên điểm số, ai có điểm cao sẽ có nhiều quyền lựa chọn.
Nếu không được thay đổi nguyện vọng thì sẽ tránh được xáo trộn nhưng sẽ làm tăng sự đỗ, trượt do may rủi.
Thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+) |
- Nhưng năm 2015, với việc thí sinh được rút hồ sơ đã gây ra những xáo trộn lớn, gây bức xúc trong dư luận. Nếu vẫn cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng thì có khắc phục được tồn tại này, thưa Phó giáo sư?
Phó giáo sư Đỗ Văn Xê: Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện phương thức trên, người dân chưa nắm rõ nguyên tắc nên khó tránh khỏi những xáo trộn. Sau sự cố đó, năm nay, chắc chắn thí sinh và phụ huynh sẽ phải cân nhắc hơn trong chọn trường, những xáo trộn như vậy sẽ không xảy ra.
Mặt khác, năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thí sinh phải nộp cả giấy chứng nhận kết quả thi, khiến thí sinh khi muốn thay đổi nguyện vọng bắt buộc phải rút hồ sơ ra để lấy giấy chứng nhận kết quả thi đăng ký sang trường khác.
Năm nay, Bộ đã điều chỉnh không yêu cầu thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi và các em được đăng ký qua mạng internet. Điều này sẽ khắc phục tình trạng của năm 2015.
Ví dụ như tại Đại học Cần Thơ, năm 2015, chúng tôi cho phép thí sinh được đăng ký qua internet, nộp lệ phí qua điện thoại di động nên không xảy ra tình trạng xáo trộn. Hệ thống internet đã phủ rộng, công nghệ thông tin phát triển thì không lý do gì không áp dụng để làm giảm tải.
Một lý do khác cần phải kể đến dẫn đến sự xáo trộn của năm 2015 là sự thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm của các trường đại học. Ở nhiều trường, thí sinh muốn rút hồ sơ phải mất hai ngày, gây tốn kém và mệt mỏi, trong khi việc này có thể chỉ thực hiện trong 5 phút, như tại Đại học Cần Thơ. Bên cạnh đó, công tác tư vấn của các trường chưa tốt để hỗ trợ thí sinh chọn trường, ngành phù hợp với mức điểm của mình.
Tuy nhiên, năm nay các trường đã có kinh nghiệm hơn và chắc chắn sẽ có thay đổi để khắc phục.
- Năm 2016, việc cho thí sinh được đăng ký cùng lúc tới hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong đợt một cũng là một thay đổi quan trọng so với chỉ được đăng ký một trường như năm 2015. Theo ông, điều này liệu có mang lại lợi ích nhiều hơn cho thí sinh?
Phó giáo sư Đỗ Văn Xê: Nếu thí sinh được thay đổi nguyện vọng như năm 2015 thì số cơ hội của các em còn lớn hơn hai trường.
Trong khi đó, việc cho thí sinh đăng ký cùng lúc hai trường, mỗi trường hai ngành lại gây khó khăn hơn cho các trường trong việc lọc thí sinh ảo.
Bốn nguyện vọng của năm nay khác với bốn nguyện vọng của năm 2015. Năm 2015, thí sinh đăng ký các nguyện vọng của cùng một trường nên các trường có thể kiểm soát được tình trạng thí sinh ảo. Năm nay, thí sinh được đăng ký cùng lúc hai trường nên trường này sẽ không thể lọc ảo từ trường kia, nhất là với những trường top dưới.
Tôi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu nhiều áp lực nhưng những thay đổi này cho thấy Bộ thiếu sự quyết đoán, thiếu tự tin. Có thể ví như người đi xe máy thì sợ ngã nên chọn giải pháp an toàn hơn là đi xe đạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.