Nghị quyết và Cuộc sống

Đổi mới từ việc gắn “học với hành”

Thống Nhất 29/12/2023 - 06:33

Năm 2023 đánh dấu chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Định hướng về việc chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học đã được ngành Giáo dục Thủ đô cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc gắn “học với hành”, gắn lý luận với thực tiễn thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu khoa học.

hoc-sinh.jpg
Học sinh trình bày dự án tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024. Ảnh: Minh Khang

Những bài học bên ngoài trang sách

Những ngày cuối tháng 12-2023, Trường Trung học phổ thông Việt - Đức trở thành điểm hẹn của hàng chục nghìn học sinh say mê nghiên cứu khoa học ở Thủ đô. Từ ngày 26 đến 29-12, tại đây diễn ra cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024.

Trải qua vòng thi cấp trường, cụm trường, cấp quận với hàng trăm dự án, 97 dự án xuất sắc nhất của các nhóm tác giả là học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Hà Nội đã được chọn vào vòng thi cấp thành phố. Điểm chú ý ở cuộc thi năm nay là có nhiều đề tài mang hơi thở cuộc sống, các kiến thức được học đã được các em tổng hợp để ứng dụng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày. Đơn cử như dự án chế tạo nước tẩy rửa sinh học từ vỏ bưởi; điều chế tinh dầu chống muỗi từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên; chế tạo thùng ủ rác hữu cơ và nước IMO cho gia đình từ vật liệu tái chế…

Mang đến cuộc thi dự án có tên “Cặp sách tích hợp phao cứu sinh”, nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Vinschool Harmony mong muốn đóng góp thêm giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh bị đuối nước. Đại diện nhóm tác giả dự án, em Nguyễn Ngọc Minh Khuê chia sẻ, nếu có thêm kinh phí, nhóm sẽ dành thời gian nghiên cứu, hoàn thiện để sản phẩm hiệu quả và mang tính ứng dụng cao. Các em cũng mong muốn ý tưởng sẽ được đầu tư, sản xuất để tặng học sinh vùng sông nước, giúp các bạn đến trường an toàn hơn.

Trong suốt 4 ngày diễn ra cuộc thi, hàng chục nghìn học sinh các trường học của thành phố đã có mặt động viên, cổ vũ và cùng giao lưu, chia sẻ, thảo luận để phát triển các ý tưởng hoàn thiện thêm cho dự án của bạn mình. Điều đó cho thấy, những bài học bên ngoài trang sách đã thực sự lôi cuốn học sinh, tạo cho các em ý thức tự học, tự nghiên cứu.

Tạo cầu nối hiện thực hóa ý tưởng

Đó chỉ là một vài minh chứng cho những nỗ lực của các nhà trường ở Hà Nội trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp học sinh rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022-2023, hơn 75% số trường phổ thông trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM và hỗ trợ khởi nghiệp… Tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và độ tuổi học sinh từng cấp học, các hoạt động giáo dục STEM, thực hành, làm bài tập dự án, nghiên cứu khoa học… được triển khai phù hợp và đã trở thành quen thuộc với học sinh. Hoạt động này góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục cơ bản lối dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức.

Những nỗ lực ấy đã góp phần khẳng định vị thế của học sinh Thủ đô trong cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. 10 năm qua đã có hơn 18.500 dự án của học sinh trung học tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thu hút hơn 33.000 học sinh cả nước tham gia, trong đó có 3.112 dự án dự thi cấp quốc gia. Hà Nội là địa phương có số lượng dự án đoạt giải cấp quốc gia nhiều nhất với 137 giải thưởng, cũng là địa phương có số dự án dự thi cấp quốc tế nhiều nhất với 11 dự án.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) Ngô Thị Thành cho biết, nhà trường kết nối với các trường đại học để học sinh được tiếp cận với phương tiện, thiết bị hiện đại; tạo cầu nối với các chuyên gia để hỗ trợ học sinh về phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhà trường còn khuyến khích giáo viên hỗ trợ học sinh phát hiện, hình thành ý tưởng và đồng hành cùng các em trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, thông qua các hoạt động giáo dục gắn kết lý thuyết với thực hành, bên cạnh phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh, năng lực hướng dẫn và nghiên cứu khoa học của giáo viên cũng được nâng cao. Có thể thấy, việc dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn Thủ đô ngày càng có nhiều chuyển biến theo hướng phát triển năng lực học sinh.

“Sở sẽ chọn ra những dự án có tính sáng tạo, ứng dụng cao nhất để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đồng thời, sẽ tạo cầu nối, kêu gọi các nhà tài trợ và đề nghị các nhà trường tăng cường quan tâm, hỗ trợ tối đa để hiện thực hóa các ý tưởng có tính ứng dụng cao”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới từ việc gắn “học với hành”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.