(HNM) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu, đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu, khát vọng này và sớm có sự bứt phá, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt, thị trường khoa học - công nghệ phát triển mạnh, đã có 15 sàn giao dịch, 50 vườn ươm công nghệ ra đời.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được tăng cường; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển khá. Hiện đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm.
Những đóng góp về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Thông tin về tình hình phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thành phố luôn xác định lấy khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ; phối hợp với các bộ, ngành cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT)... Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực như trên, nhưng khoa học - công nghệ ở nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy gia tăng về số lượng, song thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đang đặt tất cả các quốc gia trước thách thức của việc phải đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, giúp các nước thực hiện "mục tiêu kép", vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học - công nghệ.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, để phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới. Bên cạnh đó là tăng cường xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố để dẫn đầu cả nước vào năm 2025...
Về những giải pháp thúc đẩy khoa học - công nghệ bứt phá trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ sẽ đổi mới cơ chế đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ khoa học - công nghệ, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học - công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.