(HNM) - Đúng vào dịp 3 năm Hà Nội được mở rộng (từ ngày 1-8-2008), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011).
Những mục tiêu, định hướng về phát triển đã được xác định để Hà Nội xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị, hành chính; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học của cả nước. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo. Để thực hiện mô hình cấu trúc mới rất cần có những đổi mới trong quản lý về quy hoạch - kiến trúc để có bước đầu tư thích hợp.
Người dân tham quan khu triển lãm trưng bày Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Tuấn Anh
Sau khi hợp nhất, mở rộng đã tạo cho Thủ đô quy mô, vị thế, tiềm năng mới để phát triển toàn diện và bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội vươn lên là đô thị có vị thế, có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Tuy vậy, cũng thấy rõ những khó khăn bất cập trong quản lý QH-KT, đất đai, môi trường… Để xây dựng Hà Nội - một đô thị có quỹ đất tự nhiên lớn, có quá trình phát triển lịch sử hàng ngàn năm trở thành đô thị đặc biệt, xứng tầm Thủ đô của cả nước trong giai đoạn hội nhập toàn diện và về cơ bản là CNH, HĐH rất cần được định hướng.
Trước hết cần xem xét tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành hệ thống quy hoạch đồng bộ. Nhiều quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai hoặc đang nghiên cứu phải được rà soát để phù hợp với quy hoạch chung, đòi hỏi không chỉ các ngành của Hà Nội mà phải từ các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng phối hợp. Sau quy hoạch chung cần có các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư và quản lý xây dựng theo đúng định hướng. Song với khối lượng lớn nên không thể ồ ạt triển khai, càng không thể vội đặt chỉ tiêu phủ kín quy hoạch chi tiết cho toàn đô thị mà cần xác định trọng tâm, phải lựa chọn để kế thừa các quy hoạch đã có.
Trước khi mở rộng, cả Hà Nội đã triển khai 785 đồ án quy hoạch, dự án với quỹ đất gần 60.000ha (gấp 3 lần quỹ đất xây dựng tại đô thị hiện nay). Qua rà soát đợt I đã xem xét đề xuất 244 đề án tiếp tục triển khai hoặc điều chỉnh cục bộ với quỹ đất chỉ gần 19.500ha. Số dự án còn lại cần sớm được rà soát, có quyết sách để góp phần vào tăng trưởng, phát triển. Trong định hướng quy hoạch chung đã xác định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), các thị trấn sinh thái (Thường Tín, Phúc Thọ, Chúc Sơn, Kim Bài, Vân Đình, Phùng, Liên Quan, Tây Đằng…). Đây là mô hình không mới so với thế giới nhưng phù hợp với thực tiễn phát triển và có tính khả thi.
Về quản lý hành chính, sẽ có đô thị trong đô thị, đô thị trong huyện bởi vậy phải có cách nhìn nhận mới về phân cấp, phân công trong quản lý. Các quận, huyện, thị xã có vai trò quan trọng trong lập, theo dõi, điều chỉnh quy hoạch, được phân bổ ngân sách phù hợp để lập và theo dõi, giám sát quản lý. Muốn vậy cấp thành phố không chỉ quản lý để bảo đảm tính thống nhất mà còn có vai trò hướng dẫn, đào tạo. Có thể nói, lựa chọn để điều chỉnh, tìm cơ cấu tổ chức thích hợp cho giai đoạn tới đang trở thành vấn đề quan tâm đầu tiên để triển khai thực hiện quy hoạch chung.
Trong phát triển sắp tới, quản lý để hướng tới hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn là vấn đề rất cần quan tâm. Hà Nội là một đô thị nhưng trong đó đất xây dựng đô thị và nông thôn từ 28% diện tích tự nhiên hiện nay đến năm 2030 cũng chỉ tiến tới hơn 47% đòi hỏi phải sớm có nghiên cứu đến quy hoạch phát triển nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới (chiếm khoảng 20% diện tích đất tự nhiên). Thành phố không chỉ huy động lực lượng làm quy hoạch mà phải có cơ chế thích hợp để đầu tư theo hướng xã hội hóa. Bài học kinh nghiệm từ các đô thị tương đồng trên thế giới cho thấy không nên quá vội vã hiện đại hóa nông thôn (như một số đô thị Hàn Quốc) song cần xác lập mối tương quan thích hợp mới có thể thực hiện được mục tiêu về cơ bản là công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Quy hoạch chung đã xác định Hà Nội phải là thành phố "Xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại", đòi hỏi phải sớm nhận diện quỹ di sản của Hà Nội. Hướng tới đô thị hiện đại là xu thế tất yếu nhưng muốn có tính cạnh tranh cao phải có bản sắc. Thăng Long - Hà Nội với quá trình lịch sử phát triển đã để lại di sản vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú mà không phải đô thị nào cũng có được. Sau khi hợp nhất, mở rộng, di sản của Hà Nội càng phong phú, đa dạng hơn, không phải chỉ là chúng ta tự nhận mà còn được thế giới xác nhận. Chúng ta đã từng bước nhận diện được các khu đặc trưng như khu phố cổ, khu phố Pháp, cảnh quan Hương Sơn, Ba Vì, hồ Hoàn Kiếm, làng cổ Đường Lâm… Hơn 5.200 di tích rải rác với gần 1.000 di tích xếp hạng quốc gia, gần 1.400 làng truyền thống, gần 300 làng nghề, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới như Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, lễ hội Đền Gióng… Song cũng còn không ít di sản được khảo sát nhưng chưa đánh giá đúng tầm giá trị như Cổ Loa, thành cổ Sơn Tây, thành Dền, làng cổ Đường Lâm. Nhiều cảnh quan thiên nhiên với quỹ cây xanh, sông hồ, các khu địa hình tự nhiên chưa được điều tra đồng bộ… Để Hà Nội phát triển gắn với bảo tồn di sản rất cần có nghiên cứu quy hoạch bảo tồn hoặc điều chỉnh các quy hoạch đã có như với khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, rà soát các dự án, công trình cao tầng trong nội đô… cần khẳng định không có biểu tượng hòa bình, văn hóa nào, không có cạnh tranh nào với các đô thị hơn là giữ gìn di sản văn hóa mà lịch sử và thiên nhiên đã ưu đãi để lại.
Trong định hướng quy hoạch chung lần này cũng đã đề cập đến định hướng các khu chức năng chính: nhà ở, giáo dục đào tạo, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, công trình văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp, các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp thoát nước, phòng chống lũ lụt, cấp điện chiếu sáng, thông tin liên lạc...); kiểm soát và bảo vệ môi trường. Từ các định hướng này cần sớm cụ thể hóa thành các dự án, đồ án và quy chế quản lý thích hợp.
Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội được phê duyệt đã xác định những định hướng quan trọng song tổ chức thực hiện còn quan trọng hơn mà công tác quản lý QH-KT là bước đi đầu rất cần đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.