(HNM) - Chủ đề của buổi làm việc ngày 23-9 với thành phố Hà Nội về hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì là phát triển KHCN gắn với nguồn lực.
Cơ chế, chính sách chưa thành động lực
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tính nhạy bén trong định hướng phát triển của Hà Nội. Đặc biệt, với Quyết định 95 của thành phố về Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án KHCN, Hà Nội đã có một bước tiến lớn về mặt thể chế, chính sách, công tác quản lý; về công nghệ cũng đã có nhiều khởi sắc. Trong 4 năm gần đây, thành phố đã thẩm định công nghệ 162 hồ sơ dự án đầu tư. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như công trình Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì; công trình Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy Xử lý rác thải Nam Sơn; dự án nạo vét thí điểm hồ Hoàn Kiếm...
Làm thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học sự sống - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh:TTXVN
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thẳng thắn nhận định: Dù thành phố đã rất quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, nhưng nhìn chung, kết quả công tác KHCN của Hà Nội còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Về tổng thể, việc ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu KHCN trong sản xuất, kinh doanh và quản lý còn yếu. Theo Chủ tịch, vấn đề số một cản trở sự phát triển của KHCN thành phố là nhận thức của những người đứng đầu các cơ quan còn thiếu sâu sắc, dẫn đến việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác KHCN chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa trở thành động lực để thúc đẩy KHCN phát triển; hạ tầng còn thiếu; chưa có nơi để các nhà khoa học hành nghề, vận dụng chất xám... Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển KHCN Thủ đô, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức, tăng cường công tác quản lý KHCN... Tiếp đến là phải có những cơ chế, chính sách bảo đảm những điều kiện cần và đủ cho KHCN thành phố phát triển.
Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Vũ Như Hạnh, cùng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Trần Thành Công cùng chung quan điểm: Cần có sự đột phá trong cơ chế tài chính cho KHCN, trước mắt cần linh hoạt hơn trong xây dựng định mức chi tiêu cho công nghệ, đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán.
Đổi mới cơ chế tài chính
Làm thế nào để Hà Nội có sản phẩm công nghệ đầu ngành? Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải, điều quan trọng nhất trong bước xác định các đề tài, các chương trình nghiên cứu là phải chỉ rõ nhiệm vụ của đề tài và ai là người giao nhiệm vụ này. Với Hà Nội thì đó nên là UBND TP. Khi đã xác định chuẩn nhiệm vụ thì mới xác định được nguồn lực. Việc ngay từ đầu chỉ ra ai, đơn vị nào sẽ sử dụng kết quả đề tài cũng hết sức quan trọng bởi nhờ thế mới có thể "lôi kéo" họ vào thực hiện đề tài, đóng góp về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng. Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cũng chia sẻ những vướng mắc trong cơ chế tài chính, đãi ngộ mà các đơn vị đều gặp phải và cho rằng: Việc giao tài chính "trọn gói" là không nên vì cần phải giữ kỷ luật tài chính, song chặt chẽ theo kiểu hành chính như hiện nay thì cũng rất khó khăn cho các nhà khoa học.
Đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư... đã tiếp thu kiến nghị của Hà Nội về việc tạo động lực cho nghiên cứu KHCN bằng việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách.
Về hướng tháo gỡ khó khăn cơ chế tài chính cho phát triển KHCN, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về lâu dài, việc đổi mới cơ chế tài chính sẽ theo hướng sử dụng đồng tiền hiệu quả chứ không nặng về kiểm tra chi tiêu. Để phát huy nguồn nhân lực trên địa bàn Thủ đô, Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP Hà Nội cùng Liên hiệp Các hội KHKT của thành phố có giải pháp sử dụng chất xám của các nhà khoa học trên 60 tuổi. Đặt vấn đề KHCN có thể giải quyết những vấn đề gì cho thành phố, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cố gắng giám sát năng suất lao động của ngành nông nghiệp và cơ khí, tiếp đến là giải quyết vấn đề môi trường, không khí và nước sạch. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và ứng dụng thực tiễn để phát huy và giữ gìn văn hóa Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.