Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối mặt thách thức mới

Đình Hiệp| 09/10/2014 06:27

(HNM) - Cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Trong một tuyên bố mới nhất vừa được phát đi từ cuộc họp báo tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ),

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, nhóm khủng bố IS đang tiếp tục thực hiện "chiến dịch tàn bạo" của mình khi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo và các quyền con người tại những khu vực do lực lượng này kiểm soát ở Syria và Iraq. Trong khi OHCHR bày tỏ quan ngại tương tự khi cho rằng việc IS gia tăng các hoạt động bắn phá tại Kobane đã khiến ít nhất 10.000 dân thường phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn những ngày qua. Mỹ - quốc gia đứng đầu liên minh quốc tế chống IS cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với sự an toàn của người dân thị trấn Kobane sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng các cuộc không kích không thể ngăn chặn khu vực này rơi vào tay các phiến quân IS.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của liên quân xuống thị trấn Kobane (Syria).



Trước tình hình nguy hiểm tại Kobane, Đặc phái viên của LHQ về Syria, Staffan de Mistura đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực chặn đứng và đẩy lùi các hành động tàn bạo của IS nhằm vào dân thường. Lời kêu gọi tương tự cũng được điều phối viên phó về vấn đề nhân đạo của LHQ tại Iraq Kevin Kennedy đưa ra trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên mới đây. Theo ông Kevin Kennedy, làn sóng tấn công của IS đã khiến 1,8 triệu người Iraq phải đi lánh nạn, chủ yếu là người dân các tỉnh Anbar, Mosul, Sinjar và Kurdistan. Tuy nhiên, các cơ quan cứu trợ đang gặp phải không ít thách thức đặc biệt, việc tiếp cận với người tị nạn rất khó khăn.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính phủ Iceland thông báo ủng hộ liên minh quốc tế chống IS do Mỹ phát động. Ngoại trưởng Gunnar Bragi Sveinsson cho biết, Iceland sẽ đóng góp 50.000 USD cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo trong khu vực, song nhấn mạnh sẽ không tham gia các hành động quân sự của liên minh vì quốc gia này không có lực lượng vũ trang thường trực. Quốc hội Canada cũng đã bỏ phiếu cho phép quân đội nước này tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ phát động. Theo đó, một lực lượng gồm 600 lính không quân cùng với 6 máy bay chiến đấu và một số máy bay quân sự sẽ tới Trung Đông thực hiện một sứ mệnh kéo dài 6 tháng. Thủ tướng Stephen Harper khẳng định sẽ không gửi bộ binh tham gia sứ mệnh này. Tuy nhiên, 69 binh sĩ đặc nhiệm của Canada đang được triển khai tại miền Bắc Iraq sẽ tiếp tục nhiệm vụ cố vấn cho các lực lượng an ninh chống IS.

Dù Mỹ và liên minh quốc tế chống IS có đầy đủ chứng cứ và sự hậu thuẫn cho chiến dịch hiện nay, song vẫn còn những câu hỏi liên quan đến hiệu quả và hệ lụy mà cuộc chiến có thể gây ra. Trước tiên là những khó khăn trong việc xác định chính xác các mục tiêu cần tiêu diệt. Không thể phủ nhận một thực tế là các đợt không kích vừa qua đã đạt được kết quả khi đánh trúng hàng chục mục tiêu trọng yếu của IS, song điều đó không có nghĩa các mục tiêu tiếp theo sẽ dễ dàng bị phát hiện. Khó khăn thứ hai liên quan đến kế hoạch viện trợ và vũ trang cho lực lượng đối lập Syria vốn được Mỹ coi là "ôn hòa". Việc xác định thế nào là "ôn hòa" cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, trong khi Syria, Iran và Nga lo ngại Washington có khả năng lợi dụng chiến dịch chống IS để lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - người mà Mỹ đã gạt khỏi liên minh cuộc chiến chống IS. Ngoài ra, thế giới không thể không tính tới những hậu quả nguy hiểm từ "làn sóng hồi hương" của gần 15.000 chiến binh nước ngoài đến từ 80 quốc gia đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Một số nhà phân tích ở Trung Đông cho rằng, một chiến dịch kéo dài nhiều năm sẽ không thể đánh bại được IS vì lực lượng này sẽ có thời gian tuyển mộ thêm nhiều tay súng hơn cả số tay súng mà liên minh đã tiêu diệt.

Giữa lúc cuộc chiến chống IS của liên minh quốc tế còn nhiều thách thức, Thủ tướng Iraq Haider al- Abadi mới đây đã lên tiếng phản đối sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ nước này. Cho rằng chủ quyền của Iraq cần được tôn trọng, bất chấp hành động của quốc tế đối với IS, Thủ tướng Haider al- Abadi khẳng định các nước cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Tuyên bố mới nhất của Chính phủ Iraq có thể khiến cho cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu phải đối mặt với những thách thức mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối mặt thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.