Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối mặt thách thức mới

Vân Nga| 24/12/2010 07:32

Báo động chênh lệch giới tính 120 trẻ gái/100 trẻ trai (HNM) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 47 (ngày 22-3-2005) của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), công tác DS Hà Nội đã trải qua những thăng trầm, từ


Công tác dân số ở Hà Nội đang dần ổn định và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quỳnh Hoa


Điểm lại 5 năm qua, bắt đầu từ mốc thời gian Hà Nội mở rộng, công tác DS-KHHGĐ Thủ đô đã vượt qua được nhiều khó khăn, nhất là thách thức về tỷ lệ gia tăng DS, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh rất cao (tăng từ 0,81-1,44%/năm), đặc biệt là tổ chức bộ máy làm công tác DS bị mất ổn định… Nhưng qua thời gian, những vướng mắc của công tác DS-KHHGĐ đã lần lượt được tháo gỡ, có thêm nhiều kết quả đáng mừng. Ví như, năm 2009, tỷ suất sinh thô giảm 0,29%o/năm, tỷ lệ con thứ 3 trở lên giảm 0,85%. Năm 2010, các chỉ tiêu về tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên đều giảm so với năm 2009. Các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng DS cũng tăng đáng kể: tuổi thọ bình quân đạt 74,9 tuổi (cả nước 72,8); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm thấp nhất trong cả nước (13,5%).

Nhiều mô hình, đề án được xây dựng, thực hiện mang lại hiệu quả cao, như: ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của tệ nạn xã hội đến gia đình trên địa bàn; đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở Hà Nội giai đoạn 2006-2010; dự án phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên ở Hà Nội giai đoạn 2007-2011 tại Ba Đình, Đông Anh, Chương Mỹ, Sơn Tây...

Đạt được những thành công đó, vấn đề tiên quyết chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ngành DS-KHHGĐ. Có thể thấy rõ, ở đâu có sự vào cuộc quyết liệt thì ở đó sẽ thu lượm kết quả tốt - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Khả Hùng khẳng định. Sự vào cuộc đó đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 02 ngày 2-10-2008 của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Nghị quyết số 05, ngày 17-7-2009 của Hội đồng nhân dân TP và Đề án số 98/ĐA-UBND ngày 22-7-2009 của UBND TP về: "Một số giải pháp tăng cường công tác DS-KHHGĐ Hà Nội đến năm 2015". Đó là những tiền đề quan trọng cho các hoạt động DS-KHHGĐ từ năm 2010 trở đi với các giải pháp đồng bộ mà quan trọng vẫn là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, công tác DS Hà Nội tiếp tục mở ra nhiều yêu cầu, thách thức mới. Trước tiên là vấn đề "nóng" và cũng là mục tiêu mũi nhọn phải được ưu tiên giải quyết, đó là tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (120 trẻ gái/100 trẻ trai). Nếu như giai đoạn 2001-2005, tỷ số này chưa vượt ngưỡng trung bình thì từ năm 2006 đến nay đã tăng vượt ngưỡng: Hà Nội cũ 112/100 (năm 2006) tăng lên 116/100 (năm 2008); Hà Tây cũ 115/100 (năm 2007) tăng lên 124/100 (năm 2008). Năm 2009, tỷ số này của Hà Nội là 113,2/100 và nằm trong tốp báo động cao nhất của cả nước vào năm nay, với tỷ số lên tới 120/100.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, lao động có bằng cấp chuyên môn, kỹ thuật của Hà Nội chiếm 26,9% số dân, đạt 40% DS trong độ tuổi lao động, thấp hơn TP Hồ Chí Minh (30% và 41%). Như vậy, có nghĩa là đa số lao động của Hà Nội vẫn thuộc tốp lao động giản đơn. Tỷ lệ người khuyết tật ở Hà Nội là 6,5%, với gần 42 vạn người khuyết tật ở mức độ khác nhau, cao hơn TP Hồ Chí Minh (5,5%). Bên cạnh đó, Hà Nội đã bước vào "cơ cấu DS vàng" từ năm 2005 và thách thức không nhỏ khi cơ cấu DS già cũng đã đến từ năm 2009 với tỷ lệ người cao tuổi (NCT) chiếm 10,4% (khoảng 65.000 người). Trong đó 25% NCT bị tàn tật và sức khỏe yếu, đa số thuộc nhóm nghèo và cận nghèo. Tỷ lệ nạo phá thai trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ khá cao, chiếm tới gần 30%... Tất cả những vấn đề trên đang là một thách thức không nhỏ đối với Thủ đô, mà muốn giải quyết vấn đề đó, công tác DS-KHHGĐ rất cần sự quan tâm đầu tư cả về kinh phí cũng như phương hướng hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015
- Giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,02%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn dưới 11%; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đạt trên 99,5%...
- Nâng cao chất lượng DS, phấn đấu đến năm 2015 có 90% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 55%; 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước bảo đảm vệ sinh
.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối mặt thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.